Hoạt hình Việt có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy hoạt hình thế giới
VHO - Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, 4 trụ cột quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp hoạt hình nói riêng là: thúc đẩy tài năng sáng tạo, khai thác kho tàng văn hóa dân tộc, ứng dụng công nghệ và khả năng khai thác kinh doanh.
Nằm trong khuôn khổ LHP Hoạt hình lần thứ I “Dòng khát vọng” diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM mới đây, 4 dự án phim hoạt hình điện ảnh bao gồm “Wolfoo và cuộc đua Tam giới” (2D) cùng “Chiến binh gốm - Blank Blank” (Stopmotion) của Sconnect Studio, “Truyền thuyết Kim ngưu” (3D) của Alpha Studio và “Zombie mắt lác” (3D) của Colory Studio đã được giới thiệu.
Lần đầu tiên hoạt hình Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của 4 bộ phim hoạt hình điện ảnh “make in Vietnam”. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước đi táo bạo của các doanh nghiệp sản xuất hoạt hình trong nước, phá bỏ những rào cản khi sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp để giành lại niềm tin từ khán giả quốc nội, đồng thời kết nối những người yêu hoạt hình Việt, thu hút những cá nhân và tổ chức có cùng khát vọng phát triển hoạt hình Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Khó tưởng tượng được hoạt hình Việt Nam của chúng ta đã phát triển mạnh đến thế. Các bạn trẻ đã giúp chúng tôi có thêm niềm tin, sự tự hào vào một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền công nghiệp điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hoá của quốc gia nói chung.”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nêu cụ thể những vấn đề để có thể thúc đẩy phát triển điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, trong đó hoạt hình là lĩnh vực quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Trong đó, có 4 trụ cột then chốt mà các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp sản xuất cần lưu ý. Đầu tiên là thúc đẩy tài năng sáng tạo. Với những thành tựu mà hoạt hình Việt đã đạt được trong 65 năm qua, cùng với đội ngũ đạo diễn, nghệ sĩ, nhà sản xuất trẻ đầy nhiệt huyết và đầy sức sáng tạo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin tưởng đội ngũ nhân lực trẻ sẽ tạo nên những sản phẩm đa dạng, đặc sắc, xứng tầm với tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Thứ hai, cần được chú trọng khả năng khai thác kho tàng văn hóa dân tộc. Việt Nam có kho tàng văn hóa, nghệ thuật phong phú, những câu chuyện, truyền thuyết, nhân vật, sự tích, dấu ấn trong lịch sử dân tộc chính là nguồn tư liệu quý giá để tạo nên những sản phẩm điện ảnh có bản sắc riêng giữa thị trường điện ảnh hoạt hình thế giới.
Thứ ba là ứng dụng công nghệ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng của bộ phim hoạt hình, đặc biệt là phim phát hành ra thị trường quốc tế. Một bộ phim hoạt hình hay không thể thiếu công nghệ làm phim tiên tiến.
Hiện nay các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang thể hiện được tố chất của con người Việt Nam, đó là tiếp cận nhanh, đúc rút nhanh, chuyển đổi nhanh các công nghệ trên thế giới để đưa về Việt Nam.
Thứ tư là đầu ra cho sản phẩm, đây là mối quan tâm không chỉ của ngành hoạt hình mà còn đối với hầu hết các lĩnh vực công nghiệp văn hóa nói chung. Khả năng chuyển đổi kinh doanh các sản phẩm văn hóa là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Các nhà sản xuất Việt làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhưng quan trọng là làm thế nào để đưa sản phẩm này đến thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới. Làm sao để những sản phẩm này có tính đặc trưng, trở thành những thương hiệu mạnh của quốc gia, tất cả đều cần đến kỹ năng khai thác thị trường.
“Với niềm đam mê, khát vọng và những gì mà các thế hệ làm hoạt hình Việt Nam đã làm được, tôi tin tưởng rằng ước mơ của các bạn cũng chính là ước mơ của chúng tôi và những người yêu điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Tôi tin tưởng vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà sáng tạo hoạt hình trẻ, những người đang thắp lên hy vọng về một tương lai rực rỡ cho hoạt hình Việt”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu.