“Hương của lụa”:
Giai điệu nữ tính trên nền truyền thống
VHO - Triển lãm "Hương của lụa" của họa sĩ Nguyễn Thu Hương sắp ra mắt công chúng với loạt sáng tác bằng chất liệu tranh lụa. Sự kiện đồng thời giới thiệu sách mỹ thuật cùng tên (NXB Hồng Đức, 2025), do Trần Hậu Tuấn biên soạn, khái lược lại hành trình vẽ lụa của nữ họa sĩ Hà Nội sau hơn 15 năm.

Triển lãm khai mạc lúc 18h ngày 11.5 tại Eight Gallery (357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 11.6.2025.
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng nhận định: “Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương – làn hương mùa thu, là thứ hội hoạ giàu nữ tính, đến mức dù không biết tác giả là phụ nữ thì người xem vẫn cảm nhận được làn hương nữ tính như tràn ngập không gian phòng trưng bày”.
Tranh lụa của nữ họa sĩ mang dáng dấp điêu khắc trong một chất liệu vốn gắn với sự mong manh.
Không giống những bức lụa khỏa thân của các họa sĩ nam, tranh của Nguyễn Thu Hương né tránh sự phô bày, không đặc tả làn da hay mái tóc óng ả, mà ẩn giấu cơ thể nữ trong hoa văn, sắc màu – như một khuôn mặt tan vào nền xanh biếc hay dáng hình vàng rực mơ hồ.

Dù vậy, chính sự tiết chế ấy lại làm nổi bật vẻ gợi cảm riêng biệt – kín đáo, e lệ mà vẫn mạnh mẽ và sâu lắng.
Cũng như một số họa sĩ lụa đương đại, Nguyễn Thu Hương sử dụng nhiều yếu tố đồ họa nhằm thoát khỏi lối tả thực ba chiều quen thuộc.
Những đường viền đậm, mảng màu phẳng và bố cục động khiến tranh lụa của chị mang hơi hướng điêu khắc chắc chắn, mạch lạc nhưng vẫn giữ được độ rung cảm.
Theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở sự mập mờ giàu ẩn dụ: hình thể khi ẩn khi hiện giữa hoa văn, lúc tan vào nền vải, lúc lại trỗi lên như một khẳng định. Chính những hư ảnh ấy tạo nên chiều sâu và không gian thứ hai cho tranh.

Chia sẻ về con đường đến với tranh lụa, Hương cho biết ban đầu chọn chất liệu này đơn giản vì ít người theo đuổi. Nhưng càng gắn bó, chị càng thấy cần góp tiếng nói riêng, dù là nhỏ bé. Qua từng triển lãm, chị nhận ra sự thay đổi của bản thân – từ kỹ thuật đến cách cảm nhận chất liệu.
Trong sáng tác, Hương kết hợp thao tác thủ công như bện, tết, buộc nút… lên mặt tranh, nhằm tạo cảm xúc mới cả về thị giác lẫn xúc giác.
“Tôi luôn nghi ngờ khả năng của mình, nhưng chính những băn khoăn ấy lại thôi thúc bức tranh tiếp theo ra đời”, chị nói. Chủ đề phụ nữ tiếp tục là nguồn cảm hứng chủ đạo, với mong muốn lụa không chỉ hiện diện như nền vẽ, mà trở thành phần lan tỏa trong không gian.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận xét: Nguyễn Thu Hương trung thành với đời sống nội tâm nhẹ nhàng, không tìm kiếm sự đối chọi hay gay gắt trong nghệ thuật. Tranh của chị xoay quanh nỗi “dằn vặt tính nữ”, thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình dung dị mà sâu sắc.
Dù mang tinh thần hiện đại, tranh lụa của Hương vẫn kế thừa tư duy bố cục truyền thống, nơi khoảng trống đôi khi trở thành yếu tố chủ đạo. Việc kết hợp giữa kỹ thuật xưa và tư duy mới đang là hướng đi mà chị tiếp tục theo đuổi.

Từ những bước đi đầu tiên khi còn là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), Nguyễn Thu Hương đã lựa chọn tranh lụa cho cả hai kỳ tốt nghiệp hệ đại học và cao học.
Qua từng giai đoạn, chị tiếp tục theo đuổi chất liệu này như một dòng chảy dài, giàu âm sắc nội tâm. Với chị, vẽ lụa là hành trình thử nghiệm bất tận – không để thoát khỏi truyền thống, mà để đi sâu vào nó bằng tiếng nói riêng của mình.

Nguyễn Thu Hương sinh năm 1979, hiện sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chị là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng tổ chức ba triển lãm cá nhân: "Lụa của Hương" (2019) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, "Hương lụa" (2021) tại Huyen Art House và "Hương" (2022) tại Eight Gallery.