Triển lãm "Một hành trình":
Khám phá vẻ đẹp đương đại của tranh lụa
VHO - Ngày 22.2, tại Nhà trưng bày triển lãm thành phố, TP.HCM đã khai mạc triển lãm tranh lụa “Một hành trình” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, bày 90 tác phẩm.

Bùi Tiến Tuấn là một trong những người tiên phong hồi sinh và làm mới tranh lụa Việt Nam từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, khi thể loại này gần như thoái trào.
Tuy nhiên, trong hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ gắn liền với tranh lụa, anh còn có những tác phẩm sơn dầu, giấy dó, sơn mài và acrylic.
Các đề tài của Bùi Tiến Tuấn đa dạng, từ thiếu nữ thị thành, phong cảnh Hội An đến hiện thực đường phố, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, anh cũng tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách riêng.

Theo giám tuyển Lý Đợi: Nhìn lại hơn 90 năm hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường, đặc biệt là phụ nữ, chiếm trọn không gian tranh.
So với tranh lụa truyền thống với cấu trúc thiên-địa-nhân, Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, không cần thiên hoặc địa.
Trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam, ngoài các tranh lụa tuyên truyền, phần lớn tác phẩm thiếu thân phận cá nhân, chỉ thể hiện hình thể, hành động mà không đi sâu vào tính cách, số phận.
“Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường là những người thị thành, yêu thích thời trang, tự lập và đôi khi phù phiếm. Họ độc lập trong suy nghĩ và hành vi, nên nỗi niềm của họ khác hẳn những phụ nữ lao động vất vả. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa của Tuấn cũng tươi mới, thời trang và phá cách”, giám tuyển Lý Đợi nhận định.
Theo họa sĩ Đức Hòa: “Bùi Tiến Tuấn là một tên tuổi nổi bật trong tranh lụa Việt Nam đương đại. Khác với các họa sĩ vẽ nhân vật nữ tĩnh lặng, Tuấn tạo ra hình ảnh nữ nhân linh hoạt, biến hóa, bay bổng, mang đậm dấu ấn cá nhân với các đường nét táo bạo, lãng mạn và không bị ràng buộc bởi thực tế”.
Họa sĩ Lương Lưu Biên nói rằng Bùi Tiến Tuấn đã khẳng định vị trí của mình như một đại diện tiêu biểu của hội họa đương đại miền Nam sau 20 năm làm việc với tranh lụa.
Anh là một trong những họa sĩ quan trọng góp phần phục hưng tranh lụa, một chất liệu mang đậm tính cách Việt và tinh thần phương Đông.

Với lối tạo hình sang trọng, lả lơi và phong cách mới lạ, độc đáo, tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn mang sự cân bằng giữa dịu dàng, mềm mại và hiện đại.
Bùi Tiến Tuấn kết hợp truyền thống và đương đại, thể hiện qua những cô gái phố thị mơ mộng, đầy kiêu kỳ. Sự nghiệp của anh thể hiện sự đồng điệu hoàn hảo giữa cá tính lãng mạn và chất liệu lụa.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định: “Hội họa của Bùi Tiến Tuấn không đơn thuần gợi cảm mà là sự tôn vinh thân thể trong không gian "sắc không" của vũ trụ, với nét cọ chứa đựng sự tĩnh lặng và chiêm nghiệm sâu sắc.
Thân thể con người, dù trong tranh khỏa thân, luôn mang một ma lực cuốn hút, trở thành nguồn năng lượng thiêng liêng.
Một bức tranh khỏa thân thành công là khi nó đánh thức trong người xem thế giới mộng tưởng, khát khao và cảm xúc vượt qua giới hạn lý trí”.

Nhà sưu tập Quách Cường nhận xét: Tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn trần trụi nhưng không trần tục, khiến người xem cảm thấy ngọt ngào, tươi trẻ, như nâng niu chứ không bị nặng nề dục tính.
Các cô gái trong tranh anh mong manh, như sương mai, khơi dậy bản năng sở hữu. Tư thế tự do, mềm mại của các "mẫu" khiến tranh anh thêm cuốn hút trên chất liệu khó như giấy dó, lụa, đặc biệt là lụa, một chất liệu vẽ đòi hỏi kỹ thuật cao.

Còn theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: “Trong tranh Bùi Tiến Tuấn, một đô thị ẩn giấu qua từng nhân vật, đặc biệt là những người phụ nữ vừa đẹp đẽ, quyến rũ nhưng xa cách, mơ hồ.
Họ không e ấp mà xuất hiện với tư thế gợi cảm nhưng không dung tục, đôi khi như bước ra từ giấc mơ hay mang dáng dấp của những người quen. Bùi Tiến Tuấn tôn vinh vẻ đẹp của họ, nhưng cũng để lại khoảng trống cho người xem tự lấp đầy suy tưởng…”.
Nhà sưu tập Đỗ Tú Anh, chia sẻ: Tạo hình của Bùi Tiến Tuấn vừa ngọt ngào, phóng khoáng, vừa lãng mạn, đương đại. Các nhân vật nữ của anh vừa nữ tính, tinh nghịch, vừa phồn thực, ngây thơ.
Bùi Tiến Tuấn ấn tượng với những khoảnh khắc bất chợt trong chuyển động của người con gái, khiến tranh anh luôn sống động, vui nhộn và làm biến mất cảm giác gợi cảm dục tính. Các nhân vật như những nàng tiên thuần khiết, với cảm giác tươi mới, đầy sức sống.
Trái ngược với chất liệu lụa thường nền nã và gợi chi tiết, Bùi Tiến Tuấn chọn một phong cách thủy mặc, đối lập một cách tao nhã trên nền đồ họa…

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ: Kể từ triển lãm cá nhân cuối cùng năm 2021, sau đại dịch Covid-19, tôi cảm thấy mình sống chậm lại, suy ngẫm về cuộc sống, đặc biệt là đô thị hiện đại.
Những ký ức từ thập niên 1990 và đầu thiên niên kỷ đan xen với hình ảnh đô thị phát triển trong tâm tưởng tôi. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ cái thế giới đang căng đầy trong tâm hồn mình.
Triển lãm “Một hành trình” nhằm giới thiệu nhiều khía cạnh mới trong sáng tạo của tôi, từ những tác phẩm về “tân mỹ nhân” trên lụa đến những “hình nhân đường phố” hay tranh acrylic khổ lớn. Triển lãm này là một bức tranh toàn cảnh về hành trình sáng tạo của tôi.
Triển lãm diễn ra từ ngày 22.2 - 9.3.2025, song song tại hai địa điểm: Sann - The house of Art (Nhà trưng bày triển lãm thành phố), 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM và 106 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM.