Đường Sách TP.HCM: Phát triển nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa
VHO - Tổng kết hoạt động năm 2022 của Đường Sách TP.HCM vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Lê Hoàng, Giám đốc đơn vị bày tỏ phấn khởi cho biết, kết quả hoạt động Đường Sách năm qua rất khả quan với doanh thu gần 52 tỉ đồng (tăng trên 113% so với năm 2021). Đáng chú ý, Đường Sách TP.HCM là điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình, đây còn là điểm tham quan thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sách…
Đường Sách thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, mua sách
Không có đơn vị nào bị giảm doanh thu
Theo đó, tổng doanh thu năm 2022 của các đơn vị tại Đường Sách đạt 51,64 tỉ đồng, tăng 113,7% so với năm 2021. Các đơn vị tại Đường Sách có doanh thu tăng mạnh, không có đơn vị nào giảm doanh thu (11 đơn vị có doanh thu hơn gấp đôi năm 2021). Có 2 đơn vị mới tại Đường Sách là NXB Chính trị quốc gia sự thật và Phanbooks cũng góp phần tăng doanh thu và đa dạng độc giả đến với Đường Sách.
Năm 2022, doanh thu sách thiếu nhi đạt hơn 10 tỉ đồng, tăng 236% so với năm 2021. Nếu như năm 2021 số cuốn sách thiếu nhi bán ra vào trên 24% và chiếm hơn 12% doanh thu; thì năm 2022, số cuốn sách thiếu nhi bán ra có tỉ lệ khoảng 23% tổng số sách và đạt khoảng 20% trên tổng doanh thu. Tổng số bản sách bán ra đạt gần 660 ngàn cuốn, tăng gần 41%; tựa sách mới đạt trên 3.200 tựa và giảm nhẹ so với năm 2021.
Trong năm, có hơn 435 hoạt động sự kiện tại Đường Sách, tăng 190% so với năm 2021 và tăng 72% so với năm 2019. Trong đó: 16 chương trình chủ điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, văn hóa giáo dục được tổ chức ngày càng quy mô, long trọng, nhiều hoạt động phục vụ cho bạn đọc, du khách xuyên suốt thời gian tổ chức. Bên cạnh đó, có 110 sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm; 19 hoạt động tọa đàm, tập huấn mang hàm lượng nội dung chuyên sâu; 8 hội chợ xuất bản phẩm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc; 42 hoạt động trưng bày, triển lãm xuất bản phẩm, nhiếp ảnh, báo chí, mỹ thuật với đa dạng chủ đề, hình thức và đơn vị tham gia; 250 sân chơi tương tác được duy trì đều đặn vào cuối mỗi tuần tại một số gian hàng và lòng đường.
Các sự kiện tổ chức tại Đường Sách ngày càng đa dạng với hàm lượng giá trị văn hoá, nghệ thuật cao
Sự kiện tại Đường Sách ngày càng đa dạng về loại hình, đơn vị tổ chức và đối tượng tham gia: từ các hoạt động dành cho giới chức, doanh nhân, báo chí đến các sự kiện dành cho gia đình, bạn đọc trẻ, thiếu nhi; hay những chương trình được tổ chức quy mô lớn, bạn đọc từ các miền về tham dự như Kỷ niệm 20 năm Harry Potter, gặp gỡ và giao lưu cùng nhà văn Marc Levy, “Hành trình vạn dặm” của Trần Đặng Đăng Khoa… các hoạt động trưng bày, triển lãm cũng đã mang lại cho người xem những chiêm ngưỡng thú vị, bởi hàm lượng giá trị văn hoá, nghệ thuật cao.
Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ đồng hành cùng thành phố và các tỉnh thành phát triển văn hóa đọc, được sự tín nhiệm của các nơi, Đường Sách TP.HCM với lời mời từ lãnh đạo các tỉnh, thành đã tham gia tư vấn cho việc xây dựng và hình thành mô hình đường sách tại địa phương như Đường Sách TP Cao Lãnh (đã khánh thành tháng 11.2022), Đường Sách Quận 6, Đường Sách Quận 7, Đường Sách TP Thủ Đức (dự kiến đi vào hoạt động tháng 6.2023).
Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM, lượng khách năm 2022 đạt gần 3 triệu lượt, tăng 87,5% so với năm 2021 (lượng khách này tương ứng với năm 2019 trước khi có dịch), trong đó, du khách quốc tế chiếm hơn 30% lượt khách đến Đường Sách. Bên cạnh đó, Đường Sách còn là nơi diễn ra các hội sách như Hội sách Tết Nguyên đán hằng năm, Hội sách thiếu nhi thành phố, Hội sách Xuyên Việt, Hội sách giáng sinh, các Hội sách mini, Hội sách khuyến đọc… tổng doanh thu của các Hội sách ước tính vào khoảng 7 tỉ đồng, thu hút đông đảo bạn đọc, du khách tham gia. Đáng chú ý, nhờ gắn kết với ngành du lịch, Đường Sách là điểm dừng chân trong đường tour khi du khách đến TP.HCM, đây là yếu tố góp phần nâng cao hình ảnh, lan tỏa thương hiệu Đường Sách TP.HCM đến nhiều hơn với độc giả và du khách trong ngoài nước”, Giám đốc Công ty Đường Sách chia sẻ.
Một chương trình về Trịnh Công Sơn tổ chức tại sân khấu chính Đường Sách đã thu hút rất đông văn nghệ sĩ, khán giả thuộc nhiều lứa tuổi
Không gian sách chiếm tỉ lệ 85%
Trước sự phát triển được coi là “bùng nổ” trở lại sau thời gian ảnh hưởng đại dịch, đặc biệt là lượng khách du lịch, nhiều đơn vị đề xuất Đường Sách cần chú trọng đến các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách khi đến đây. Đóng góp ý kiến cho Đường Sách, một đại biểu gợi ý: “Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM và nhiều công trình, di tích nằm ở khu vực Đường Sách chính là lợi thế để thu hút khách du lịch, do vậy các đơn vị tại Đường Sách cần tranh thủ khai thác nguồn khách này, mang đến nhiều sản phẩm du lịch hơn để có sẽ phát triển đột phá trong thời gian sắp tới”.
Trao đổi nội dung này, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM cho rằng sự phát triển của Đường Sách cần phải song hành với việc gìn giữ bản sắc, khuynh hướng văn hóa và phù hợp nhu cầu tại TP.HCM. “Dù đổi mới như thế nào thì sách vẫn phải là bản sắc, là chủ lục, là hàng hóa chính làm sứ mệnh giới thiệu văn hóa, đất nước, con người đến với du khách. Nếu không bám chắc định hướng này thì yếu tố sách sẽ nhạt đi, Đường Sách sẽ trở thành nơi bán hàng hóa khác thì không nên. Và tôi nghĩ sở dĩ Đường Sách trở thành điểm đến thường xuyên của người dân và du khách thì yếu tố chính là sách, do đó nếu đưa vào kinh doanh mặt hàng nào ngoài sách cũng phải tính kỹ, không phải cái gì khách thích thì chúng ta bán. Không gian sách vẫn phải chiếm tỉ lệ 85%, còn 15% không gian dành để bán sản phẩm lưu niệm, do đó vấn đề là nâng chất lượng các sản phẩm ngoài sách chứ không phải nâng số lượng, nếu không thì sẽ tràn lan, đây là quan điểm của người phụ trách Đường Sách”, ông Lê Hoàng nhấn mạnh đồng thời cho rằng thời gian tới Đường Sách sẽ tăng cường phối hợp, thu hút các sở ngành, các hội nghề nghiệp, hội chuyên ngành, đặc biệt là đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - giáo dục tham gia, tuy nhiên, vẫn phải giữ bản sắc, ngôn ngữ sách là nội dung cốt lõi.
Đường Sách là điểm tham quan của nhiều du khách khi đặt chân đến TP.HCM
Đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh sự thành công của Đường Sách đã tạo cảm hứng, mô hình cho nhiều đơn vị, địa phương triển khai học tập, do đó thời gian tới Đường Sách giữ được bản sắc cốt lõi của mình, nhưng cũng cần tìm cách làm mới để vượt qua cái bóng lớn đã xây dựng lên. “Công ty Đường Sách cần liên kết với các gian hàng để đo các chỉ báo, ví dụ về nhóm tuổi, nhóm độc giả, nghề nghiệp… để hình thành kho dữ liệu, đồng thời dựa vào đây, các đơn vị có được chiến lược để đầu tư bản sắc, phương thức cho khách đến Đường Sách”, đơn vị này bày tỏ.
Đại diện Sở TT&TT TP.HCM cũng đề nghị Đường Sách cần phối hợp chặt chẽ hơn trong phát hiện những xuất bản phẩm vi phạm hoặc có dấu hiệu nhạy cảm, bên cạnh đó cần phát triển gắn liền với các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, cụ thể trong năm 2023 là hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, do đó cần kết nối tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa nhiều hơn…
Nhìn chung, năm 2022 Đường Sách đã khôi phục lại sau đại dịch, các chỉ số về kinh doanh, lượt khách, hoạt động sự kiện đều tăng trưởng cao so với năm 2021. Các chỉ số về số lượng bản sách bán ra và số tựa sách mới giảm khoảng 30% so với năm 2019 trong khi doanh thu tăng 17%. Điều này cho thấy yêu cầu chọn mua sách của bạn đọc ngày càng cao, người đọc sẵn sàng đầu tư cho những cuốn sách giá trị cao về nội dung, có thẩm mỹ cao về hình thức.
Phụ huynh và thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động trải nghiệm vào cuối tuần
Với sự phát triển của công nghệ và xu hướng phát triển của truyền thông đa phương tiện thì các đơn vị ngành xuất bản sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận bạn đọc tiềm năng, từ sàn thương mại điện tử đến các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ là cánh tay nối dài để đến gần hơn với bạn đọc. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi các đơn vị làm sách cần tập trung nâng cao không chỉ về chất lượng sách mà còn chất lượng dịch vụ, phục vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng này.
THÙY TRANG