Làng nhạc Việt dùng kỹ xảo, AI sản xuất MV:
Đừng ngại thử nghiệm!
VHO - Thị trường nhạc Việt thời gian qua xuất hiện nhiều MV sử dụng công nghệ kỹ xảo, trí tuệ nhân tạo (AI). Một số sản phẩm chinh phục được công chúng, đem tới cảm giác mới mẻ, thú vị cho người thưởng thức, song cũng có MV chưa thực sự thành công và nhận về không ít tranh luận trái chiều.
Làn sóng AI, đồ họa trong MV nhạc Việt
Cánh chim phượng hoàng của Tùng Dương và Em ơi ví dầu của Đan Trường là hai MV ca nhạc được quan tâm nhất thời gian qua. Hai giọng hát đều đã ghi dấu trong lòng khán giả, ra mắt sản phẩm cùng thời điểm, và đặc biệt, mỗi MV đều có sự thử nghiệm mới mẻ so với chính họ trước đây.
Gây chú ý trong Cánh chim phượng hoàng của Tùng Dương là sự dụng công về mặt đồ họa, do hai đạo diễn Nguyễn Trương Kiên và Nguyễn Hữu Hoàng đảm trách. Họ đã tìm kiếm cảm hứng từ các chất liệu văn hóa và lịch sử Việt Nam qua nhiều thời kỳ, sau đó chọn lọc các hình ảnh mang tính biểu trưng nhất để mang vào MV. Với 8 bối cảnh, 114 shot quay, trong đó 95% được quay trên phông xanh, Cánh chim phượng hoàng có thể coi là MV có khối lượng VFX (kỹ xảo hình ảnh) lớn nhất Việt Nam cho tới nay.
Ê kíp sáng tạo đã phải dành tới gần nửa năm mới có thể hoàn thành phần hậu kỳ cho Cánh chim phượng hoàng. Nguyễn Trương Kiên cho biết: “Tôi muốn mang tới một trải nghiệm hình ảnh đỉnh cao cho MV nhạc Việt, đặc biệt là đối với các thể loại sử dụng nhiều kỹ xảo VFX/CGI, khi mà phần lớn mọi người vẫn nghĩ Việt Nam chúng ta chưa thể làm tốt được”.
Trong khi đó, Đan Trường lại quyết định thử nghiệm đưa công nghệ AI vào để tạo nên hình tượng nam ca sĩ mới mẻ, khác lạ hơn trong MV Em ơi ví dầu. Màu sắc của sản phẩm cũng được ê kíp sản xuất chăm chút để tạo thêm nét độc đáo, thú vị. Đan Trường cho hay, việc làm nên nhân vật AI có thể chuyển động là một trong những thử thách khó khăn. AI đã học thuộc gần 600 tấm ảnh để cho ra một phiên bản Đan Trường giống nhất. Trong quá trình làm MV, các công cụ AI mới nhất hiện nay đều được đội ngũ sáng tạo đưa vào sử dụng, trong đó hai công cụ chính là Leonardo và Runway (Gen-2).
Trên thực tế, làng nhạc Việt thời gian qua đã có không ít sản phẩm MV ứng dụng AI, công nghệ đồ họa trong sản xuất. Gần đây, Hà Anh Tuấn với MV visualizer Hoa hồng được thực hiện bởi nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long và CABE Studio, kết hợp với hình ảnh 3D từ AI, lấy cảm hứng phong cách hội họa siêu thực của danh họa René Magritte - một trường phái sáng tạo vượt ra khỏi cái nhìn thực tế về thế giới. Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2024, Mỹ Tâm ra mắt MV Cố hương được thực hiện theo phong cách animation (hoạt hình)… cũng gây chú ý trên thị trường.
Đừng ngại ý kiến trái chiều
Đạo diễn Ngọc Gems, người đứng sau nhiều chương trình đình đám như DJ Star, Music Like, Music Store… hay MV của những nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSƯT Hoàng Tùng, nhạc sĩ Kiên Ninh… nhìn nhận, việc ứng dụng AI, công nghệ đồ họa trong sản xuất MV là một xu hướng tất yếu.
“Thị trường âm nhạc đang cạnh tranh quyết liệt bởi số lượng ca sĩ nhiều, từ giọng ca gạo cội cho tới những gương mặt trẻ. Bởi thế, nghệ sĩ phải luôn tìm cách đổi mới, làm sao để sản phẩm của mình độc đáo, thu hút khi ra mắt thị trường. Đặc biệt, chúng ta đang sống thời đại 4.0, mọi thứ đều được số hóa, việc ứng dụng công nghệ là hướng đi đúng đắn. Về hình ảnh thì dùng kỹ xảo, đồ họa, về âm thanh có âm thanh 3D, âm thanh vòm… điều này cho thấy, các ca sĩ ngày càng có sự đầu tư cả về tâm huyết cũng như tiền bạc để có những sản phẩm chỉn chu. Đó là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta được tiếp cận những sản phẩm chất lượng, mãn nhãn về hình ảnh, âm thanh”, đạo diễn Ngọc Gems, chia sẻ.
“Đồ họa đỉnh”; “Hình ảnh quá đẹp”; “MV hoành tráng, sản phẩm thực sự ý nghĩa”… là những lời khen khán giả dành cho Cánh chim phượng hoàng. MV cũng nhanh chóng cán mốc triệu view chỉ sau thời gian ngắn phát hành. Tất nhiên, ngoài kỹ xảo, MV của Tùng Dương thành công còn là sự kết hợp của các yếu tố khác như: Ca khúc hay, giọng hát nội lực, sự tham gia của khách mời nổi tiếng… Tuy nhiên, kỹ xảo chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Cánh chim phượng hoàng so với các sản phẩm trước đây của Tùng Dương.
Dù vậy, cũng phải thừa nhận một thực tế, không phải sản phẩm nào đầu tư nhiều công sức và tâm huyết cũng được công chúng đón nhận. MV Em ơi ví dầu của ca sĩ Đan Trường đã nhận về không ít phản hồi trái chiều từ khán giả. Nhiều ý kiến nhận xét, tạo hình ca sĩ không đẹp bằng ngoài đời vì AI không biết thể hiện cảm xúc, vũ đạo như thần tượng; ca từ, hình ảnh, bối cảnh trong MV không khớp... Thậm chí, có người cho rằng Đan Trường lười đóng MV nên đã quá lạm dụng công nghệ.
Phản ứng của công chúng với sản phẩm âm nhạc sử dụng kỹ xảo, đồ họa, theo đạo diễn Ngọc Gems, là điều bình thường: “Khi nghệ sĩ ra mắt một sản phẩm mới mẻ thì không tránh khỏi việc nhận về những ý kiến khác biệt hay phản hồi không tích cực. Chúng ta cần ghi nhận sự nỗ lực của nghệ sĩ trong việc họ đã cố gắng thay đổi, tốt nhất theo góc nhìn của họ. Thử nghiệm thường đi kèm với rủi ro. Thử nghiệm có thể sẽ thất bại, nhưng đôi khi thất bại lại là nền tảng để chúng ta chỉnh sửa và thành công ở những lần kế tiếp. Không thể vì ngại ý kiến này kia mà nghệ sĩ ngừng sáng tạo, đổi mới”.
Bản thân Đan Trường và ê kíp cũng biết việc thực hiện MV bằng AI là rủi ro, nhưng nam ca sĩ muốn nỗ lực không ngừng để mang lại món ăn tinh thần mới mẻ cho khán giả. Anh cũng muốn minh chứng cho mọi người thấy, dù ở độ tuổi nào anh vẫn luôn nhiệt huyết, sáng tạo, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Nữ đạo diễn Ngọc Gems nhấn mạnh thêm: “Không riêng âm nhạc mà ở bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, việc ứng dụng công nghệ hay thử nghiệm cái mới, điều quan trọng được ưu tiên là sự phù hợp, chứ không phải cứ áp dụng những cái mới nhất, đắt nhất thì sẽ cho ra sản phẩm đỉnh cao. Sự tinh tế, cảm xúc truyền tải mới là yếu tố khiến một tác phẩm nghệ thuật chạm đến trái tim khán giả”.