Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường

XUÂN HƯỚNG

VHO - Trong khuôn khổ Giải thưởng Cánh diều 2024 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sáng 10.9, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - Một chặng đường”.

Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường - ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL);  các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà biên kịch, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh trong cả nước.

Điện ảnh Việt Nam tìm đường ra “biển lớn”

Tại Hội thảo, các đại tập trung vào thảo luận, đánh giá  chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam trong 50 qua với biết bao thăng trầm, nỗ lực phát triển vươn ra “biển lớn” để hòa nhập và bắt kịp với điện ảnh thế giới.

Hội thảo đã nêu bật những thành tựu của Điện ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ trên tất cả các phương diện, loại hình; đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, những vấn đề cần được quan tâm hiện nay như: Tiếp tục xây dựng văn bản quản lý Nhà nước phù hợp, hiệu quả để thực hiện Luật Điện ảnh; một số bất cập trong hoạt động điện ảnh như cơ chế, chính sách cụ thể về hợp tác công tư, phát huy năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến.

Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường - ảnh 2
TS. Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới, mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, góp phần tích cực xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Góp phần đưa điện ảnh Việt Nam tìm đường ra biển lớn, hòa cùng với sự phát triển chung của điện ảnh thế giới.

Cần tạo cú hích để điện ảnh đột phá

TS. Trần Thị Phương Lan đánh giá, Hội thảo lần này là một hoạt động có ý nghĩa của Hội Điện ảnh Việt Nam, triển khai thực hiện Kế hoạch số 390 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 – 30.4.2025), trong đó có Điện ảnh - một lĩnh vực quan trọng, có thể xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

Lãnh đạo Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng Hội thảo sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của điện ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ trên đầy đủ các phương diện, loại hình, cùng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường - ảnh 3
Chủ trì Hội thảo phát biểu

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM cho rằng, với phim truyện điện ảnh 50 năm qua, sự kết hợp hài hòa của các dòng điện ảnh sử thi, thơ và đấu tranh đã góp phần tạo nên bản sắc của phim truyện, với những dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt, gợi mở hướng đi cho những năm tới.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, do phim truyện là tấm gương phản ánh xã hội và tiến trình tư tưởng của nó, và những tư tưởng mới sẽ có được mảnh đất riêng chỉ khi nó gần gũi với tâm tưởng người dân thường, người lao động, nhà làm phim cần góp phần tạo nên “5 mới”: diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn lực nhân lực - tài chính - sáng tạo mới, chất lượng sáng tạo nghệ thuật mới. “Để làm được điều đó, cần nỗ lực sáng tạo để tạo hệ giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ… cho phim truyện, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim chính, phong cách và hình thức phim; ảnh hưởng và góp phần tích cực tạo nên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc,...”, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh gợi mở.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, từ năm 1975 đến năm 2022, điện ảnh Việt Nam thống nhất đã trải qua từng giai đoạn phát triển với nhiều sự lột xác, tự làm mới mình để khẳng định những nỗ lực không ngừng, sáng tạo không ngừng của tất cả những nhà hoạt động điện ảnh, cơ quan quản lý nhà nước, với sự hỗ trợ bằng những chính sách kịp thời của Nhà nước, với nền tảng vững chắc là cội nguồn văn hóa dân tộc, tính nhân văn của con người và đất nước Việt Nam.

Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường - ảnh 4
PGS.TS Đỗ Lệnh Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ, là một nền nghệ thuật cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, điện ảnh Việt Nam luôn lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân bằng chất lượng nghệ thuật cao làm mục đích phấn đấu.

Khái quát lại gần nửa thế kỷ mà điện ảnh dân tộc đã trải qua từ năm 1975 đến nay để làm rõ dấu ấn thời gian, dấu ấn hiện thực xã hội được phản ánh chân thực qua mỗi loại hình phim, qua từng tác giả, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu đã được sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và trong tình cảm yêu thương, trân trọng của nhiều thế hệ khán giả. 

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà thông tin, Luật Điện ảnh năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp cùng các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy Điện ảnh Việt Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn tới.

Nêu một số giải pháp chủ yếu phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng với những nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực điện ảnh, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là kinh phí để cải tạo, nâng cấp rạp, cụm rạp chiếu phim thuộc các Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng tại các tỉnh, thành. 

Điện ảnh Việt Nam 50 năm – Một chặng đường - ảnh 5
Ý kiến của đại biểu tại Hội thảo

 

Cùng với đó, cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trong nước và nước ngoài trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu "Người Việt xem phim Việt”, lan tỏa tinh thần “Người Việt yêu phim Việt”.