TP.HCM khơi thông nguồn lực xã hội để phát triển điện ảnh:

Những khởi sắc ấn tượng

THÙY TRANG

VHO - Từng bước phục hồi sau đại dịch, doanh thu của điện ảnh Việt là điểm sáng trên thị trường phim chiếu rạp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các sự kiện điện ảnh liên tục diễn ra với quy mô trong nước lẫn quốc tế; đáng chú ý, một số LHP đã rất thành công khi thu hút nguồn lực xã hội đồng hành… Từ đó, chúng ta có thể kỳ vọng một nền điện ảnh bước tiếp đường dài và phát triển đồng bộ, bền vững.

Những khởi sắc ấn tượng - ảnh 1
TP.HCM đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp hướng đến xây dựng “Thành phố điện ảnh”. Trong ảnh: Khán giả mua vé xem phim Đào, Phở và Piano

 Đặc biệt, TP.HCM đang định hướng trở thành “Thành phố điện ảnh”, hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Những tín hiệu tích cực

Tại Tọa đàm về nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM (giai đoạn 2021-2035) tổ chức mới đây, TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) bày tỏ phấn khởi với những khởi sắc của thị trường điện ảnh Việt thời gian qua.

Trong ba năm 2021-2023, số lượng phim sản xuất giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế nhưng thị trường đang từng bước phục hồi, doanh thu phim bùng nổ ấn tượng. Bên cạnh việc thị trường điện ảnh trong nước sôi động trở lại, một số hoạt động của điện ảnh Việt Nam tại các LHP quốc tế đã để lại những dấu ấn tốt đẹp. Trong nước, các sự kiện điện ảnh như LHP Việt Nam lần thứ XXII (11.2021), LHP Việt Nam lần thứ XXIII (11.2023) do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Lâm Đồng tổ chức; Cuộc thi phim ngắn Màn ảnh xanh của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (8.2022); Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Nha Trang 2 kỳ liên tiếp (tháng 9.2022 và tháng 9.2023); LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI - HANIFF VI (11.2022); LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất - DANAFF I (5.2023); LHP ngắn TP.HCM lần thứ nhất (10.2023) và gần đây nhất LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất - HIFF 2024 (4.2024)… đều đã được tổ chức thành công.

Các sự kiện điện ảnh được tổ chức trên mọi miền đất nước đã tạo nên một môi trường chuyên nghiệp để các nhà làm phim trong nước và quốc tế giao lưu, quảng bá, xúc tiến phát triển các hoạt động một cách tích cực, hiệu quả; đồng thời công chúng được thụ hưởng những không gian điện ảnh chất lượng, hiện đại.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định, điện ảnh Việt trong năm 2023 có nhiều hoạt động nổi bật. Điện ảnh tư nhân chiếm tỉ trọng phần lớn với nhiều phim ra rạp so với năm trước. Dù chưa phải là những tác phẩm hoàn hảo, song nhìn chung các bộ phim đã thể hiện sự đa dạng về đề tài, nội dung, phong phú về thể loại. Diện mạo điện ảnh Việt Nam 2023 còn nổi bật lên ở những tác giả với nguồn vốn độc lập, hoặc được huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Theo thống kê trên Box Office Vietnam, phim Việt có thành tích doanh thu đầu năm 2024 ấn tượng với gần 700 tỉ đồng. Trước đó, năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỉ đồng), tương đương khoảng 90% trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Đây là kết quả khả quan với một thị trường non trẻ, năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm dưới 15 triệu USD (gần 370 tỉ đồng).

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động sản xuất phim chỉ ở mức khiêm tốn nên số lượng phim truyện điện ảnh được Nhà nước đặt hàng sản xuất còn quá ít ỏi. Giai đoạn 2022-2023, tuy chỉ có 3 bộ phim được sản xuất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng đã tạo được thành tựu và tiếng vang xứng đáng được ghi nhận, như bộ phim Đào, Phở và Piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn, Công ty CP Phim truyện 1 sản xuất) là điểm sáng khi đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII. Đặc biệt hơn, phim đã gây nên “cơn sốt” phòng vé trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Những khởi sắc ấn tượng - ảnh 2
Một đoàn làm phim giao lưu với khán giả TP.HCM

Thành phố Điện ảnh của tương lai

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, CEO Công ty BHD (Hãng phim Việt) đưa ra báo cáo: Năm 2023, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (dân số quốc gia này là hơn 277 triệu dân so với 100 triệu dân số Việt Nam) và cao hơn 2,5 lần so với doanh thu phòng vé Thái Lan, là một nước có nền điện ảnh phát triển ở khu vực. Thị trường điện ảnh Việt đang tăng trưởng mạnh mẽ, là một trong những thị trường có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2022-2023.

Từ các số liệu thống kê về hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, có thể thấy TP.HCM là nơi tập trung phần lớn các đơn vị sản xuất, đồng thời là thị trường điện ảnh sôi động nhất trên toàn quốc với số lượng rạp chiếu cùng doanh thu phòng vé luôn chiếm thị phần áp đảo.

Nhận định về công nghiệp điện ảnh của TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo HIFF 2024 cho biết: Tiếp nối mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mà Chính phủ đã đề ra, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong 8 ngành trọng tâm, với mục tiêu đề ra về chỉ số tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025.

“Phát triển điện ảnh không chỉ đem lại lợi ích tài chính, mà còn là cội rễ văn hóa. Nền điện ảnh mạnh sẽ tạo tác động kép, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội, tạo dựng uy tín về giá trị tốt đẹp cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Muốn điện ảnh phát triển, TP.HCM phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết: TP đang trong quá trình xây dựng báo cáo kỳ 2, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Trong đó đã xác định: Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thời gian tới sẽ bổ sung vào quy hoạch tổng thể TP các vị trí để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; trong đó có các dịch vụ phục vụ hoạt động điện ảnh như phim trường, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất phim; trung tâm phức hợp bao gồm hệ thống rạp chiếu phim, nhà hát, dịch vụ…

 Theo thống kê trên Box Office Vietnam, phim Việt có thành tích doanh thu đầu năm 2024 ấn tượng với gần 700 tỉ đồng. Trước đó, năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỉ đồng), tương đương khoảng 90% trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Đây là kết quả khả quan với một thị trường non trẻ, năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm dưới 15 triệu USD (gần 370 tỉ đồng).

Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể, TP.HCM sẽ kiến tạo những không gian mới, phát triển theo mô hình đa trung tâm. Khi đó sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ TP như phát triển về hướng Củ Chi, Cần Giờ, quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa thành trung tâm dịch vụ văn hóa gồm bảo tàng (trong đó có bảo tàng điện ảnh), nhà hát, trung tâm biểu diễn… xứng tầm. Sở VHTT đang phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc và các Sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất cụ thể những nội dung liên quan đưa vào quy hoạch chung của TP.HCM, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

TP đặc biệt tạo điều kiện cho các đoàn phim thực hiện các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử, chính trị, cách mạng, có giá trị tích cực. Lãnh đạo TP cũng đã tiếp thu các ý kiến về những khó khăn của giới làm phim để sớm cụ thể hóa chính sách xã hội hóa điện ảnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đểgóp phần tạo ra nguồn lực mạnh, nâng cao chất lượng nền điện ảnh TP.

Để mục tiêu “Thành phố điện ảnh” được thực hiện thành công, chắc chắn cần sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND TP.HCM nhằm khơi nguồn, thu hút các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim cùng tham gia và các nguồn lực xã hội hóa sẽ luôn là tiềm lực mạnh mẽ cùng đồng hành với sự phát triển của một Thành phố điện ảnh trong tương lai.