Đi tìm chất văn học trong kịch bản Cải lương
VHO - “Cải lương chạy theo tính kịch nhưng không còn hấp dẫn như xưa, bởi chất văn học thiếu hụt rất nhiều. Hiện nay, chúng ta đang chắp vá trong kết nối bài ca, sắp xếp bài bản, khai thác vọng cổ, tức là nghe thì có vẻ hay nhưng cái “tình” để tạo nên sự rung động không có. Đây là nhược điểm lớn cần được nhìn nhận và khắc phục, nếu không Cải lương sẽ mất dần khán giả…”.
Tâm tư của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM tại Tọa đàm “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu Cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay” do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vừa qua cũng là trăn trở chung của giới làm nghề khi nghệ thuật Cải lương đang gặp không ít thách thức, đặc biệt là chất văn học trong kịch bản ngày càng thưa vắng…
Chất văn học trong Cải lương
Tọa đàm tổ chức vào thời điểm Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đang diễn ra, cũng là dịp để giới nghề cùng nhìn nhận, phân tích các khuynh hướng sáng tạo và sự chuyển đổi, phát triển phong cách viết kịch bản của các thế hệ tác giả, qua đó tìm ra giải pháp để Cải lương tiếp tục lan tỏa trong đời sống xã hội, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước…
Chia sẻ tại Tọa đàm, NSND Trần Ngọc Giàu đặt vấn đề: “Cải lương vì sao không tiếp cận được công chúng? Tôi cho rằng nguyên nhân không phải do thủ pháp dàn dựng hay ngôn ngữ sân khấu, mà phần lớn bắt nguồn từ khâu kịch bản thiếu chất văn học”.
NSƯT Lê Thiện cũng cho rằng, chúng ta đang loay hoay tìm một “mối nối” trong thưởng thức nghệ thuật dân tộc giữa các thế hệ để có sự dung hòa. Còn theo NSND Trần Minh Ngọc: “Trong Cải lương có kịch, có ca và có cả văn, thơ biền ngẫu… Những yếu tố này sẽ tạo nên cái hay, cái mới cho Cải lương. Xã hội đã đổi thay, khán giả cũng thay đổi, Cải lương cần phải vươn lên để hội nhập”.
Soạn giả Đăng Minh cũng khẳng định, Cải lương - tự thân nó đã mang tính văn học rất cao. Suốt thời gian dài mấy mươi năm, Cải lương là bộ môn nghệ thuật được đông đảo người dân yêu mến. Cải lương đỉnh cao tỏa sáng bắt nguồn từ chất văn học độc đáo, hấp dẫn. Những tác phẩm kinh điển của sân khấu Cải lương cũng chính là những tác phẩm văn học có đặc thù riêng, là tổng hòa của thi, ca, nhạc, kịch, tâm lý, triết lý và cuộc sống con người… “Cải lương học cái hay, cái đẹp của các bộ môn nghệ thuật khác, rồi dung nạp và chuyển hóa những gì thu nhận từ bên ngoài thành bản sắc của mình”, theo soạn giả Đăng Minh.
Từ sau năm 1975 đến nay, sân khấu nở rộ với nhiều đoàn, nhiều vở diễn mới, nên không ít người cho rằng chất văn học trong Cải lương đã và đang trở nên thiếu vắng, nhưng theo soạn giả Đăng Minh là không phải như vậy: “Ngày xưa đề tài rộng, nhân sinh quan trong làm sân khấu khác nay rất nhiều. Hiện tại, văn học nghệ thuật vừa phải mang tính định hướng, vừa phải bảo đảm tính chính trị, thành ra cách viết đi vào khuynh hướng hiện thực XHCN”…
Viết kịch bản Cải lương cần có nền tảng văn hóa vững chắc
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, trong hai thập kỷ qua, nguồn tác giả viết cho sân khấu Cải lương cứ ngày một cạn kiệt, giới nghề đã chuyển sang chọn kịch bản kịch nói để chuyển thể. Và trong quá trình này, việc chắt lọc ca từ trong văn học ra sân khấu thế nào cho hay, cho có tính kịch là vấn đề không đơn giản. “Hệ quả là có quá ít bài ca, trích đoạn được sử dụng trong sinh hoạt cộng đồng, có sức lan tỏa đến đời sống xã hội hay chạm được đến trái tim khán giả. Nhìn lại đội ngũ sáng tác đã từng tạo ra những lời ca điệu hát đi vào lòng người, mới thấy tính chất văn học đã bị mất rất nhiều”, NSND Trần Ngọc Giàu tâm tư, đồng thời bày tỏ: “Tôi rất mừng là Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể. Thực tế làm nghề cho thấy, có những soạn giả đã nâng giá trị kịch bản văn học ban đầu lên rất nhiều khi chuyển thể sang Cải lương. Vai trò của người chuyển thể là vô cùng quan trọng”.
Còn soạn giả Đăng Minh lại lạc quan khi nhận định: “Chất văn học trong Cải lương không hề đi xuống mà tự thân nó đã có sự thay đổi, vì thế đòi hỏi tác giả phải trang bị đầy đủ kiến thức, phông nền văn hóa. Hiện nay, các cây bút trẻ được học tập bài bản, có phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ nên họ có trình độ cao, nhưng nhược điểm là hiểu về nghề chưa sâu, vì thế mà việc ứng dụng thực tế vào sân khấu nhiều khi còn lúng túng”.
Đồng quan điểm về thế hệ sáng tác mới cho sân khấu, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng, người viết cần phải có bản lĩnh và hiểu biết sâu rộng về Cải lương. Lớp trẻ do hạn chế về bài bản tổ nên cách viết bị lỏng lẻo, trong khi sự thành công của một vở diễn dựa phần lớn vào tài năng của tác giả kịch bản.
“Cải lương trăm tuổi chưa già! Tôi rất băn khoăn khi ai đó dùng từ “đổi mới Cải lương”, vì Cải lương chưa bao giờ cũ, nó vẫn đang đi cùng khán giả, đồng hành cùng đất nước, dân tộc. Chúng ta cố gắng làm mới để phù hợp thị hiếu của khán giả đương đại, nhưng trước khi làm mới phải hiểu thấu đáo để không làm mất đi chất truyền thống của nó… Mong tinh thần này sẽ lan tỏa trong tất cả những người đang làm sân khấu Cải lương và quan tâm đến Cải lương”, Chủ tịch Hội Sân khấu TP bày tỏ.