Ngày hội lớn của sân khấu Cải lương

THÙY TRANG

VHO - Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 vừa chính thức mở màn và các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật đã bước vào chặng đua tài tại Nhà hát Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Đây không chỉ là ngày hội lớn của giới nghề mà còn là dịp để khán giả mộ điệu được thỏa đam mê khi có dịp thưởng thức hàng chục vở diễn đỉnh cao, qua đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc đã tồn tại trăm năm qua…

 

 Ngày hội lớn của sân khấu Cải lương - ảnh 1
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Thứ trưởng Hồ An Phong tặng hoa các thành viên Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan

 Tôn vinh nét đẹp và sức hấp dẫn của sân khấu Cải lương

Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL TP Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Sự kiện năm nay quy tụ lực lượng hùng hậu tham gia với gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật cùng 33 vở diễn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh: Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc, đã hình thành và phát triển hơn một trăm năm qua. Đó là những giá trị rất to lớn và độc đáo, không chỉ của riêng người dân các tỉnh ĐBSCL mà còn của dân tộc Việt Nam và nhân loại. “Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho chúng ta là phải giữ gìn, phát huy và sáng tạo những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật sân khấu Cải lương. Đây là hoạt động có ý nghĩa và là cơ hội để lực lượng nghệ sĩ trao đổi, học hỏi lẫn nhau, tôn vinh nét đẹp và sự hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật truyền thống làm đắm say lòng người”, Thứ trưởng bày tỏ.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng BCĐ Liên hoan chia sẻ: Cùng với cả nước, Cần Thơ vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương Nam Bộ. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL. Năm 2024 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khi TP Cần Thơ tròn 20 năm trực thuộc Trung ương.

Việc tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Liên hoan cũng là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp; đồng thời là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ được thể hiện, cống hiến và mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật Cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Mong muốn Cải lương đồng hành cùng “hơi thở” thời đại

Ở Liên hoan năm nay, những người tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc vẫn mang trong mình sự trăn trở, đau đáu với nghề. Đó là làm sao để sân khấu Cải lương luôn sáng đèn, nghệ sĩ được cống hiến, sáng tạo nhiều hơn, có thể góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng hành cùng nhịp sống thời đại…

Là người luôn dõi theo sự thăng trầm của sân khấu Cải lương, soạn giả Hoàng Song Việt tâm tư: “Điều tôi quan tâm là mục đích, kết quả Liên hoan sẽ mang đến điều gì cho đội ngũ sáng tạo sân khấu Cải lương và khán giả. Ở những kỳ liên hoan trước, điều đáng tiếc nhất là các nghệ sĩ không có điều kiện ở lại, mà chỉ tham gia thi diễn xong rồi về, hoặc đoàn thi cuối phải đợi sát ngày mới đến vì không thể lo kinh phí ăn ở dài ngày.

Chính vì vậy, họ không thể cùng tề tựu xem nhau biểu diễn để rút kinh nghiệm và học hỏi, tìm hiểu nhu cầu thưởng thức của khán giả... Tôi mong thời gian tới, các địa phương cần có sự quan tâm, chú trọng để tạo điều kiện nhiều hơn cho các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, để họ đến với Liên hoan không chỉ thi thố lấy huy chương mà còn được được cọ xát, giao lưu, trao đổi, học tập cùng nhau…”.

Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thể khắc phục những điểm còn thiếu khuyết ở các kỳ liên hoan trước. Đơn cử như năm 2021 đã bộc lộ những điều khiến niềm vui chưa trọn vẹn: Một số đơn vị thiếu hẳn chất thanh xuân trong đội ngũ nghệ sĩ, nhất là ở tuyến nhân vật chính; nhiều diễn viên non về nghề, thiếu khai thác chiều sâu tâm lý, tính cách nhân vật; vẫn còn tiếng nhắc tuồng “oang oang” vọng ra từ cánh gà bởi diễn viên chưa thuộc lời thoại… Những “hạt sạn” này đã tác động không nhỏ đến kết quả diễn thi của từng cá nhân, đồng thời khiến tác phẩm sân khấu cũng thiếu đi tính chuyên nghiệp.

Để sân khấu Cải lương ngày càng phát huy được giá trị, tinh hoa truyền thống và tiếp thu được những cái mới từ nghệ thuật đương đại, rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cả về nhân lực và vật lực cho các vở diễn, không chỉ tập trung trong kỳ liên hoan mà phải thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ diễn viên để đảm bảo yếu tố truyền thống của nghệ thuật Cải lương được bảo tồn trọn vẹn. Địa phương cũng cần có chính sách đặc thù để thu hút lực lượng trẻ, tài năng về làm việc tại các nhà hát, các đoàn nghệ thuật.

Liên hoan vừa khởi động, khán giả mộ điệu và giới làm nghề đang hào hứng chờ đợi, kỳ vọng vào những gương mặt mới. Họ không chỉ làm trẻ hóa Liên hoan mà còn tạo nên những cú đột phá bất ngờ đầy ấn tượng cho sân khấu nước nhà. Các buổi thi diễn ra liên tục vào 9h30 và 19h30 hằng ngày, mở cửa miễn phí cho khán giả vào thưởng thức.