Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Hà Nội là tình yêu lớn của tôi!

VHO - Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội năm nay đã được trao cho đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Đạo diễn xúc động chia sẻ: “Hà Nội là tình yêu lớn của tôi!”. Những tình cảm suốt cuộc đời mà ông dành cho Hà Nội đều được gửi gắm vào từng thước phim, những tình cảm thiêng liêng và bền vững.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Hà Nội là tình yêu lớn của tôi! - Anh 1

Với những cống hiến trọn đời vì Hà Nội, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vinh dự đón nhận Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội

Ngày 5.10, BTC Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã công bố kết quả giải thưởng lần thứ 16 – năm 2023. Giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Với những cống hiến trọn đời vì Hà Nội, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vinh dự đón nhận Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội.
Nhắc đến Đặng Nhật Minh, khán giả mến mộ tên tuổi ông nghĩ ngay đến Bao giờ cho đến tháng Mười (1985), Thương nhớ đồng quê (1995)… Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi ông vươn tầm thế giới. 
Thế nhưng, sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của Đặng Nhật Minh không chỉ có thế. Ông còn có những tác phẩm quan trọng khác như Trở về (1994), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009),… và mới nhất là Hoa nhài (2022). Đó là những bộ phim mà ít hay nhiều, đậm đặc hay phảng phất, chủ đề Hà Nội đều xuất hiện và được Đặng Nhật Minh khai thác ở nhiều chiều kích, từ thời cuộc cho đến con người. Để rồi dấu ấn Hà Nội trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp từ văn chương đến điện ảnh của Đặng Nhật Minh với những tác phẩm đi cùng năm tháng và thực sự Hà Nội. 
Như ông giãi bày: “Hà Nội thân thương với tôi như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào tôi phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội. Với Huế, tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi - một người làm điện ảnh cho đến hôm nay đều bởi Hà Nội”.
Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành. Nhưng Đặng Nhật Minh cũng là người tường tận biết bao sự thay đổi của Hà Nội. Cứ thế với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim của Đặng Nhật Minh. Điển hình có thể kể tới chùm 3 phim Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi Hoa nhài.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Hà Nội là tình yêu lớn của tôi! - Anh 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động: "Hà Nội là tình yêu của tôi!"

Đó là Hà Nội của một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong Hà Nội mùa đông năm 46. Rồi một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong Mùa ổi. Đến Hoa nhài là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội bốn phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời. 
Dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh - mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn. Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là một duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội.
Đạo diễn chia sẻ: “Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều. Đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế”.
Ở chiều sâu, những bộ phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Hoa nhài, cùng với cả Đừng đốt, Trở về, Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội.
Điển hình là Loan trong Trở về, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong Đừng đốt, một người con gái Hà Nội mang trong mình những vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. 

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Hà Nội là tình yêu lớn của tôi! - Anh 3

Đạo diễn hạnh phúc đón nhận niềm vui với những cống hiến trọn đời của ông dành cho Hà Nội

Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. 
Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, làm phim về Hà Nội, cái quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội. “Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Thừa Thiên Huế. Ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1993, được vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju 2005. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 và Mùa ổi. Năm 2016, ông được Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2022, ông được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp. 
Trước đạo diễn Đặng Nhật Minh, trải qua 14 mùa giải đã có nhiều tên tuổi được nhận Giải thưởng Lớn: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020), nhạc sĩ Hồng Đăng (2021), đạo diễn Trần Văn Thủy (2023). 
Năm nay, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua danh sách gồm 11 đề cử, trên 4 hạng mục. Trong đó riêng hạng mục giải Tác phẩm có tới 4 đề cử.
Ở hạng mục Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội, BTC trao thưởng cho 2 đề cử là: Cuốn “Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ” của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành); Triển lãm ảnh “Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting” (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Ở hạng mục Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội, chương trình Lễ hội Thu Hà Nội – Đến để yêu đã được vinh danh. Ở Hạng mục Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội, BTC trao cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan với chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực nhằm đưa chương trình "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc