Cô gái biến đá cuội thành tác phẩm nghệ thuật giá trị
VHO- Đá cuội là nơi cô gái Nguyễn Thị Thảo Ly (32 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi gửi gắm tâm hồn đam mê nghệ thuật và yêu quê hương. Thảo Ly đã biến đá cuội thành chất liệu sáng tác và trở thành nghề “tay trái hái ra tiền”.
Chị Ly bên tác phẩm tranh đá cuội
Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa và có nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, nên chị Ly không gặp nhiều khó khăn để thực hiện tranh đá cuội. Hoàn thành bức tranh đầu tiên, chị Ly đăng tải trên mạng xã hội và được nhiều bạn bè khen ngợi, ngỏ ý hỏi mua. Nhận thấy tranh đá cuội do chính mình làm ra được nhiều người yêu thích, chị Ly tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo tranh nghệ thuật từ những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường. “Ban đầu, tôi chưa có kinh nghiệm hay chọn đá xù xì về vẽ đã khó lại hao cọ, không lên đúng màu nên vẽ hỏng không ít lần. Bây giờ tôi đã biết chọn đá theo hình dáng phù hợp với ý tưởng. Đôi khi sự xù xì của của viên đá lại có thể diễn tả được xúc cảm của tôi một cách tự nhiên nhất”, Ly nâng niu hòn đá trong tay chia sẻ.
Kể về cơ duyên gắn bó với nghề làm tranh nghệ thuật từ vật liệu thiên nhiên của chị Ly rất tình cờ. Trong một chuyến đi dã ngoại ở ven suối, chị nhặt được rất nhiều đá cuội có hình thù khác nhau. Thế là chị “xắn quần” lội từ bờ này đến bờ kia để tìm những hòn cuội ưng ý. Những mảnh vụn được mài nhẵn nhụi bởi gió, nước chảy có kích thước từ vài centimet đến vài chục centimet nằm nhan nhản ở các bờ suối được chị Ly “khoác áo” mới cho những hòn đá “vô hồn” trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bắt mắt.
Những hòn đá “vô hồn” trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bắt mắt
Theo chị Ly, những viên đá cuội phải kỳ rửa lớp đất bùn thật sạch, hong đá thật khô ráo.Chị biến hóa những viên đá cuội trơ trọi thành những tác phẩm sinh động như phong cảnh thiên nhiên quê hương, chân dung,… ở nhiều độ tuổi ưa chuộng. Mỗi viên đá một dáng, một hình riêng nên tác phẩm thường độc đáo không bao giờ lặp lại. “Vài năm trở lại đây, xu hướng sống xanh, sống thân thiện với môi trường lan tỏa trong cộng đồng. Nắm bắt thị hiếu này, tôi đã tái chế những sản phẩm cũ, những viên sỏi, vỏ ốc... để làm nên những bức tranh có nhiều nội dung khác nhau. Nói như vậy không phải mọi chuyện đều dễ dàng, bởi để thu hút khách hàng, tôi phải không ngừng đổi mới, biến những vật liệu vốn đã gần gũi trở thành những sản phẩm độc đáo, riêng biệt”, chị Ly bộc bạch.
Ly cho hay, so với cách vẽ tranh truyền thống trên giấy, việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ sỏi, đá cuội, vỏ ốc, cát biển hay quả thông đều đòi hỏi sự kỳ công và phức tạp hơn. Từng công đoạn, chi tiết đều phải thực hiện tỉ mỉ, khéo léo và luôn đặt nhiều tâm huyết, tình cảm khi sáng tác mới có thể làm nên những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Quy trình làm tranh từ các vật liệu thiên nhiên trải qua nhiều công đoạn. Từ hình dáng sơ khai của viên đá, vỏ ốc, người vẽ phải liên tưởng chủ đề để sắp đặt tạo hình cho tác phẩm. Khi tô vẽ, chị Ly sử dụng màu acrylic có nguồn gốc hữu cơ, bởi độ an toàn và khả năng bám dính cao. Ngoài kỹ năng vẽ và phối màu, cần đến nghệ thuật lắp ghép kết hợp đắp nổi giữa các vật liệu khác nhau sao cho hài hòa, sống động. Trung bình mỗi tác phẩm, chị Ly làm trong khoảng thời gian từ vài ngày, thậm chí đến vài tuần. Với bức tranh có nhiều chi tiết nhỏ, phức tạp thì thời gian thực hiện lâu hơn. “Điểm độc đáo của tranh từ đá cuội, quả thông, cát biển, vỏ sò là giữ được nguyên vẹn hình thù vốn có, nhưng luôn tạo sự mới lạ, khác biệt, không bao giờ lặp lại, dù cho chủ đề có giống nhau. Đôi khi một vỏ ốc, một viên đá xù xì lại phù hợp với ý tưởng và có thể diễn tả được cảm xúc của tôi một cách tự nhiên, làm cho bức tranh trở nên sinh động và giống với hiện thực nhất có thể”, chị Ly cho hay.
Nguyễn Thị Thảo Ly không ngừng nỗ lực theo đuổi đam mê sáng tạo tranh nghệ thuật
Số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều nên chị Ly quyết định nghỉ việc ở công ty để chuyên tâm làm tranh nghệ thuật. Không chỉ được khách hàng trong nước yêu thích, mà nhiều khách hàng ở các nước Châu Á, Châu Âu cũng sẵn sàng chờ đợi, bỏ ra số tiền vận chuyển cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị của tác phẩm để sở hữu những bức tranh do chị Ly làm ra. Đây là động lực để cô gái này không ngừng nỗ lực theo đuổi đam mê sáng tạo tranh nghệ thuật.
NHƯ ĐỒNG