Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt?

THUÝ HIỀN

VHO - Sau hơn 400 đêm diễn, Bệnh sĩ, vở kịch kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Vũ – vẫn chưa hạ nhiệt. Trở lại trong chuỗi Thói đời 3, vở diễn tiếp tục “cháy vé” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với 2 suất diễn ngày 2 và 3.8. Điều gì khiến tác phẩm hơn ba thập kỷ vẫn cuốn hút công chúng? Ông Lê Tùng Linh, Trưởng phòng Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có những chia sẻ về hành trình giữ lửa cho Bệnh sĩ.

Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt? - ảnh 1
Trưởng phòng Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn Lê Tùng Linh

PV: Thưa ông, điều gì khiến Bệnh sĩ vẫn giữ được sức hút sau nhiều thập kỷ công diễn?

- Trưởng phòng Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn Lê Tùng Linh: Bệnh sĩ vẫn sống là vì nó chạm vào một điều mà xã hội nào cũng có - “cái sĩ”. Lưu Quang Vũ không giáo điều, không hô khẩu hiệu. Ông kể chuyện bằng sự hài hước rất duyên, nhưng lại đủ khiến người ta giật mình soi lại chính mình. Những nhân vật như Toàn Nha, Văn Sửu… mỗi người một kiểu “sĩ”, người khoe chữ, người thích oai, người đua đòi – ai xem cũng thấy quen. Lưu Quang Vũ không dạy dỗ ai, ông để tiếng cười lên tiếng – một thứ cười rất duyên, rất thật. Có lẽ vì thế mà Bệnh sĩ chưa bao giờ cũ – vì những điều nó nói đến vẫn còn nguyên trong đời sống hôm nay.

.Theo ông, điều gì khiến vở diễn vẫn “chạm” được tới khán giả hôm nay với cả người trẻ lẫn khán giả lớn tuổi?

- Đó là sự chân thành. Tác phẩm dễ hiểu nhưng không dễ dãi. Những điều Lưu Quang Vũ viết ra từ ba mươi năm trước – đến bây giờ vẫn thấy đúng. Ê-kíp không cố “hiện đại hoá” bằng hình thức cầu kỳ, cũng không giữ nguyên kiểu cũ một cách máy móc – mà chọn cách kể giản dị, gần gũi.

Người trẻ xem với sự tò mò và nhận ra vấn đề gần mình lắm. Người lớn tuổi xem như một sự chiêm nghiệm. Mỗi thế hệ, mỗi người – đều thấy một phần bản thân mình đâu đó trong câu chuyện của Bệnh sĩ.

Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt? - ảnh 2
Tiếng cười trong "Bệnh sĩ" mang tới là tiếng cười sâu cay

. Nhiều ý kiến cho rằng một phần sức hút lần này đến từ dàn nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt là NSND Xuân Bắc. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- Đúng vậy. Cả ê-kíp đều làm việc nghiêm túc, tiết chế đúng mức. NSND Xuân Bắc - một người có nghề, kỹ lưỡng và hiểu tinh thần Lưu Quang Vũ không gây cười để vui, mà dùng sự hài hước để nói điều nghiêm túc. Vai diễn tưởng đơn giản, nhưng phải tỉnh táo và tiết chế.

Cùng với anh, các nghệ sĩ như NSND Việt Thắng, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Dũng Nam… và các gương mặt trẻ như Hồng Phúc, Thu Thuận, Thế Nguyên… đều diễn với sự kỹ lưỡng, chân thành và tôn trọng khán giả. Không ai gồng mình để tỏa sáng, nhưng ai cũng làm sáng vai diễn của mình.

Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt? - ảnh 3
Sự thành công của vở diễn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam

Việc Nhà hát quyết định thuê địa điểm lớn như Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô được coi là táo bạo. Ông có thể chia sẻ về quyết định này?

- Đúng là táo bạo, nhưng nếu không dám bước ra khỏi vùng an toàn thì sân khấu sẽ mãi luẩn quẩn. Ngay từ đầu, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ – từ chất lượng nghệ thuật đến cách tiếp cận khán giả qua truyền thông. Chúng tôi khảo sát nhóm khán giả thân thiết, phối hợp với truyền thông chuyên nghiệp và đặc biệt nhắm tới nhóm học sinh, sinh viên với nhiều ưu đãi trải nghiệm.

Thực tế, Nhà hát đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều đêm diễn lớn tại Nhà hát Lớn và Hồ Gươm đều kín rạp. Điều đó tiếp thêm cơ sở để tin rằng, nếu tác phẩm tốt và được truyền thông đúng cách, mở rộng quy mô là hoàn toàn khả thi.

Việc chọn Cung Văn hóa Hữu nghị không phải để “làm lớn” – mà là một phép thử: Liệu khán giả hôm nay còn dành chỗ trong tim cho kịch nói không? Và tôi tin là có, nếu nghệ thuật được làm tử tế và tiếp cận đúng cách.

Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt? - ảnh 4
Vở diễn mang tới tiếng cười cho mọi đối tượng khán giả

. Bên cạnh nội dung hay và nghệ sĩ giỏi, ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong thành công của vở diễn?

Truyền thông bây giờ là một phần sống còn của sân khấu. Từ năm 2020, chúng tôi xây dựng hệ truyền thông đa kênh: fanpage, TikTok, Instagram, Zalo, YouTube… và hợp tác cùng các bạn trẻ có ảnh hưởng, với các nền tảng như Schannel để đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Các chiến dịch quảng bá các tác phẩm như Đêm trắng, Người tốt nhà số 5, Nguồn sáng trong đời, Người trong cõi nhớ… đều cho thấy: khi truyền thông tốt và tác phẩm có chất lượng, khán giả sẽ quay lại rạp – đông, đều và có chọn lọc. Với Bệnh sĩ, truyền thông tập trung vào nhóm khán giả trẻ dưới 25 tuổi  và phản hồi cho thấy hiệu ứng lan toả là rất tích cực.

. Bên cạnh nội dung hay và nghệ sĩ giỏi, ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong thành công của vở diễn?

- Truyền thông bây giờ là một phần sống còn của sân khấu. Từ năm 2020, chúng tôi đã xây dựng hệ truyền thông đa kênh: fanpage, TikTok, Instagram, Zalo, YouTube… đồng thời hợp tác với các bạn trẻ có ảnh hưởng trên nền tảng như Schannel để đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.

Vì sao "Bệnh sĩ” sau hơn ba thập kỷ vẫn chưa hạ nhiệt? - ảnh 5
Chiến dịch truyền thông quảng bá hướng tới nhóm khán giả trẻ ở độ tuổi dưới 25

Các chiến dịch quảng bá cho Đêm trắngNgười tốt nhà số 5Nguồn sáng trong đờiNgười trong cõi nhớ… đã chứng minh rằng: khi truyền thông tốt và tác phẩm đủ chất lượng, khán giả sẽ quay lại rạp – đông, đều và có chọn lọc. Với Bệnh sĩ, chúng tôi tập trung truyền thông hướng đến nhóm dưới 25 tuổi – và hiệu ứng lan tỏa là rất tích cực.

Tất nhiên, kết quả đó không chỉ nhờ vào truyền thông mà còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, các nghệ sĩ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Nhà hát. Thành công của mỗi vở diễn là kết tinh của sự đoàn kết, chuyên nghiệp và tinh thần đổi mới trong cách tiếp cận khán giả hôm nay.

. Theo ông, việc Bệnh sĩ vẫn cháy vé giữa nhiều loại hình giải trí hiện đại có gợi mở gì cho sân khấu kịch nói?

Khán giả không rời bỏ sân khấu, họ chỉ cần được trao cơ hội tiếp cận những vở diễn tử tế. Bệnh sĩ cho thấy: nếu làm đúng từ nội dung đến tổ chức và truyền thông, thì kịch nói vẫn có chỗ đứng và có thể phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi luôn bắt đầu mỗi dự án bằng câu hỏi: “Sẽ nói gì? Nói với ai? Và nói bằng cách nào?”. Khi khán giả cảm thấy được tôn trọng – họ sẽ quay lại, không phải vì thương, mà vì thấy có giá trị.”

. Xin cảm ơn ông về những chia sẻ chân thành!