"Đu idol" quốc nội (Bài 1):
“Chịu chi” để đu concert
VHO - LTS: Nhìn từ sức hút của các chương trình Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió... có thể khẳng định: Truyền hình thực tế không chỉ là sân chơi cho tài năng tỏa sáng, mà còn là cầu nối đưa công chúng đến gần hơn với âm nhạc và nghệ sĩ Việt. Đặc biệt, các concert “made in Vietnam” đang dần trở thành biểu tượng văn hóa mới của giới trẻ.

Chưa bao giờ, cụm từ “đu idol” với nghệ sĩ trong nước lại được sử dụng phổ biến và sôi động như hiện nay. Những buổi biểu diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả sau loạt show thực tế thành công đã chứng minh một điều: Làn sóng “đu idol” nội địa đang chuyển mình mạnh mẽ, tạo nên một diện mạo mới đầy tự hào cho thị trường âm nhạc nước nhà.
Nếu như trước đây, giới trẻ thường chỉ hướng sự hâm mộ của mình đến các thần tượng quốc tế - thậm chí không ngần ngại chi hàng chục triệu đồng để bay ra nước ngoài tham dự concert - thì nay, sự xuất hiện của các “anh trai”, “chị đẹp” đã tái định nghĩa khái niệm “đu idol” và “đu concert”…
Định kiến rằng show âm nhạc trong nước là “xoàng xĩnh”, thiếu sức hút dần bị xóa mờ. Thay vào đó, những sân khấu hoành tráng “made in Vietnam” đang tạo ra làn sóng cuồng nhiệt mới, khiến giới trẻ hào hứng xách ba lô lên đường chỉ với vài triệu đồng để “đu idol” một cách đầy tự hào.
Gian nan “săn vé”
Máy tính cấu hình tốt, đường truyền Internet nhanh, ổn định, thao tác tốc độ và chính xác... là những gì khán giả truyền tai nhau về cách thức “săn vé” các concert đình đám.
Nguyễn Minh Tú (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong số ít người may mắn sở hữu tấm vé tham dự concert Anh trai say hi tại Hà Nội, chia sẻ về hành trình “săn vé” kịch tính không khác gì... một cuộc đua tốc độ.
Theo đó, khán giả cần phải truy cập vào website phân phối từ rất sớm, sử dụng phần mềm đếm ngược hiển thị chính xác đến từng giây để canh giờ tải trang - bởi chỉ cần chậm một vài nhịp, bạn hoàn toàn có thể… trắng tay.
Dù thao tác cực nhanh, Minh Tú vẫn phải chấp nhận xếp sau hơn 1.000 người và chỉ mua được vé ở hạng “dưới” - vị trí không dễ để tiếp cận gần thần tượng. Dẫu vậy, mức giá gần 1.500.000 đồng vẫn được xem là khoản đầu tư không nhỏ đối với một sinh viên, cho thấy sự “chịu chi” và tâm huyết thực sự của giới trẻ trong việc ủng hộ nghệ sĩ Việt.
Phóng viên Văn Hóa cũng đã trực tiếp thao tác đặt vé concert Anh trai say hi diễn ra ngày 10.5 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Dù thành công sở hữu một cặp vé, nhưng vị trí không mấy lý tưởng, bởi chỉ sau khoảng 15 giây, các khu vực chính diện sân khấu, nơi có thể theo dõi thần tượng rõ nét nhất đã bị “quét sạch”.
Câu chuyện này không phải cá biệt. Rất nhiều khán giả từng rơi vào tình trạng tương tự khi cố gắng săn vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Nguyễn Huỳnh Đức (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ: Sau nhiều lần “lỡ hẹn” vì lượng người truy cập quá đông, mãi đến đêm diễn thứ tư tại TP.HCM, anh mới có thể cầm vé trong tay… nhưng đó là mua lại từ một người quen có kinh nghiệm “chinh chiến”.
Chưa thỏa mãn, biết tin concert thứ năm sẽ tổ chức tại miền Bắc, anh Đức lập tức lên kế hoạch săn vé thật sớm, thậm chí chấp nhận trả giá cao hơn cho những người giữ chỗ thành công, miễn sao được góp mặt.
“Tính cả chi phí vé, di chuyển, ăn ở ra Hà Nội cũng chưa đến 10 triệu đồng. Như vậy vẫn rẻ hơn nhiều so với ra nước ngoài xem concert”, anh Đức cho biết.

Quay xe “đu idol” quốc nội
Tại các concert đình đám vừa qua, khoảnh khắc hàng chục nghìn khán giả đồng thanh hát vang từng câu từng chữ không sót một lời đã tạo nên bầu không khí bùng nổ đến mức sởn da gà. Với nhiều người, cảm giác ấy chẳng khác nào đang hòa mình vào đêm diễn của thần tượng quốc tế, nơi mọi trái tim cùng chung nhịp đập với âm nhạc.
Một khán giả xúc động thừa nhận: “Chưa bao giờ tôi thuộc nhiều nhạc Việt đến vậy”. Chính sự thăng hoa cảm xúc và kết nối mãnh liệt ấy đã khiến không ít người sau khi tham dự đêm diễn đầu tiên lập tức “xuống tiền” để tiếp tục đồng hành cùng thần tượng trong các đêm diễn kế tiếp.
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 đang ghi dấu một bước ngoặt ấn tượng của nền công nghiệp âm nhạc và giải trí Việt Nam.
Đây là thời điểm chứng kiến sự lên ngôi của các chương trình quy mô lớn do chính người Việt tổ chức, từ khâu đạo diễn, biên đạo, sản xuất đến nghệ sĩ biểu diễn.
Sự trưởng thành toàn diện này đã khẳng định nội lực mạnh mẽ của ngành công nghiệp giải trí trong nước và còn minh chứng rõ nét rằng, các concert “made in Vietnam” đã sẵn sàng cạnh tranh với những sân khấu quốc tế.
Ca sĩ Khánh Linh cũng bày tỏ niềm vui trước sự đổi thay này. Theo cô, việc khán giả, đặc biệt là người trẻ, dành nhiều tình cảm hơn cho nghệ sĩ Việt là điều rất đáng mừng. Chính tinh thần “cháy hết mình”, sự nghiêm túc trong đầu tư chất lượng nghệ thuật đã giúp nghệ sĩ chiếm trọn tình yêu từ công chúng.
Khánh Linh hy vọng, thế hệ nghệ sĩ mới sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê và sự chuyên nghiệp ấy để tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc giá trị, góp phần nâng tầm nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp âm nhạc nước nhà.
Không thể phủ nhận, làn sóng “đu idol” nội địa thời gian qua đã trở thành hiện tượng đáng chú ý trong đời sống giải trí Việt Nam. Sự chuyển hướng trong hành vi và sở thích tiêu dùng âm nhạc cho thấy đây không đơn thuần là một trào lưu giải trí, mà là biểu hiện rõ ràng của sự thay đổi trong tư duy văn hóa và cá tính thẩm mỹ của giới trẻ.
Cùng với đó, ngành công nghiệp giải trí cũng phát triển với tốc độ mạnh mẽ. Hàng loạt gameshow, chương trình thực tế, đại nhạc hội và concert được đầu tư bài bản về nội dung, nghệ thuật và công nghệ đạt chuẩn quốc tế. Các sản phẩm không còn bó hẹp trong khung giờ truyền hình mà lan tỏa trên mọi nền tảng, giúp nghệ sĩ kết nối sâu rộng hơn với công chúng.
Tuy nhiên, để đi xa hơn, các nghệ sĩ Việt cần nhận thức rõ rằng: Đây là thời điểm vàng để xây dựng thương hiệu cá nhân một cách bài bản, đồng thời đẩy mạnh truyền thông và tương tác với người hâm mộ.
Những concert thành công vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa khẳng định đẳng cấp tổ chức của Việt Nam, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và nâng cao vị thế âm nhạc nước nhà trên bản đồ quốc tế.
Trong dòng chảy sôi động ấy, khán giả không còn chỉ là người xem, họ đã trở thành một phần của “hành trình phát triển nghệ thuật”, nơi mỗi lần “đu idol” là một lần góp sức nâng đỡ những ước mơ âm nhạc Việt vươn xa. (Còn tiếp)