Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III:

Câu chuyện đằng sau những thước phim

NGỌC HÀ

VHO - Tại chương trình gặp gỡ báo chí, các đoàn làm phim và nghệ sĩ đã hé lộ nhiều thông tin phía sau những thước phim dự thi, sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Châu Á Đà Nẵng lần thứ III năm 2025.

Chương trình giao lưu với 10 đoàn phim, trong đó có 5 phim Việt Nam như Đèn âm hồn, Mưa trên cánh bướm, Truyền thuyết Quán Tiên, Út lan: Oán linh giữ lửa, Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết kim ngưu và 5 phim nước ngoài Học cách quên em (Nhật Bản); Lửa thiêng (Ấn Độ); Chuyện của đất (Indonesia); Trật tự mới (Philipines); Yêu từ cái nhìn đầu tiên (Ấn Độ).

Trong đó 3 bộ phim lần đầu ra mắt quốc tế xuất hiện trong LHP: Học cách quên em, Trật tự mớiYêu từ cái nhìn đầu tiên.

Đèn âm hồn là một tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại kinh dị tâm lý, lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian Việt Nam. Bộ phim nhanh chóng tạo nên cơn sốt phòng vé, thu hút sự chú ý của khán giả và truyền thông.

Giao lưu với báo chí về bộ phim Đèn âm hồn, đạo diễn Lê Hoàng Nam cho giải thích những dư luận về những ý kiến trái chiều và giới thiệu một số dự án phim sắp tới như Bà đừng buồn con, Em bé Mỹ Lai.

Truyền thuyết về Quán Tiên do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều. Phim lấy bối cảnh kháng chiến chống Mỹ, khi ba nữ chiến sĩ Mùi (Thúy Hằng đóng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Mai Anh) được giao nhiệm vụ tổ chức một chốn nghỉ chân giữa rừng, chuẩn bị thực phẩm chiêu đãi bộ đội trên đường hành quân. Họ dựng trại trong hang động gọi là Quán Tiên, còn ba cô gái được ví như những nàng tiên.

Câu chuyện đằng sau những thước phim - ảnh 1
Các đoàn làm phim, diễn viên đã có những chia sẻ thú vị với báo chí

Trong đó, diễn viên Thúy Hằng là lựa chọn phù hợp cho vai chính, cô hóa thân vào nhân vật giàu nội tâm thể hiện qua ánh mắt. Diễn viên Thúy Hằng bày tỏ, cô rất hạnh phúc khi thấy khán giả yêu thích điện ảnh Việt Nam, và đối tượng khán giả này cũng dành nhiều quan tâm, trăn trở cho phim “Truyền thuyết Quán tiên”.

“Đây là bộ phim chiến tranh dưới góc nhìn của người trẻ, và tôi thấy được giọt nước mắt của những khán giả trẻ dành cho bộ phim, thực sự rất xúc động và vui mừng, và tôi mong rằng sẽ được hợp tác với đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhiều hơn để có những vai diễn chuyển tải tới khán giả. Đến bây giờ, khi xem lại những bộ phim của mình, tôi vẫn cảm thấy rất xúc động”, diễn viên Thúy Hằng chia sẻ.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, động lực để anh bắt tay vào làm bộ phim Truyền thuyết Quán Tiên vì cảm nhận được sự khác biệt của tác phẩm viết về chiến tranh khác, đó là sự pha trộn giữa tình yêu lãng mạn và yếu tố tâm linh, điều đó thôi thúc sự tò mò bí ẩn.

“Khi làm bộ phim dựa theo truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều, tôi đã đọc thêm rất nhiều tác phẩm của ông và càng cảm nhận được chất liệu khác lạ, chiều hướng của Xuân Thiều là đi sâu khai thác tình cảm con người, trong quá trình làm phim, tôi luôn cảm thấy được tác giả bên cạnh động viên, cổ vũ tôi vượt qua khó khăn”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ kể lại.

Phim Học Cách Quên Em của đạo diễn Yu Sakudo, nhà sản xuất Tsukasa Shiga, dài 108 phút. Đây là một bộ phim Nhật Bản lần đầu tiên được công chiếu trên thế giới và xuất hiện trong Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ III.

Phim thể hiện nội dung: Sau khi người bạn gái qua đời trước ngày cưới, Subaru trở về sống cùng cha mẹ và anh bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của cô trong những ảo giác kỳ lạ. Subaru nhận ra rằng, chừng nào anh còn đau đáu nhớ về Miki, những ảo ảnh ấy sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Đại diện đoàn làm phim Học cách quên em cho biết, khi họ làm việc, lấy chất liệu từ những nhà tang lễ, chứng kiến nước mắt và sự dày vò nhớ nhung người đã mất, bộ phim được mang sang Việt nam với thông điệp mong muốn sẽ chữa lành cho những gia đình mất đi người thân đột ngột, không chỉ cho người Nhật Bản và còn mang sự chữa lành này ra thế giới.

Đoàn làm phim Học cách quên em cũng bày tỏ niềm vui và vinh dự khi bộ phim được chọn chiếu tại rạp ở thành phố Đà Nẵng và được chọn tham gia dự giải, đồng thời thông tin với khán giả, trong thời gian tới, thế mạnh của Nhật Bản vẫn là dòng phim kinh dị, phim drama.

Về bộ phim Lửa thiêng của đạo diễn Abhilash Sharma, bộ phim được quay tại phía bắc Ấn Độ, nơi tôn nghiêm của đạo Phật. Bộ phim đề cập đến chủ đề của sự sợ hãi và những bất công của xã hội đối với phụ nữ. Bộ phim cũng chọn hình ảnh màu đen trắng nhằm mang đến khán giả cái nhìn chân thật nhất. Ông cũng mong mọi người đến rạp xem phim để có những cảm xúc thưởng thức trọn vẹn hơn.

Tham gia chương trình giao lưu gồm các đoàn làm phim tham dự Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III ở nhiều hạng mục như Phim châu Á dự thi; Phim Việt Nam dự thi; Toàn cảnh điện ảnh châu Á; Nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam.

Các bộ phim Việt Nam đều là những tác phẩm đã gặt hái thành công nhất định như Mưa trên cánh bướm với 2 giải thưởng tại Liên hoan phim Venice, Đèn âm hồn lọt vào top phim doanh thu 100 tỷ hay Trạng Quỳnh nhí là phim hoạt hình duy nhất được chọn vào hạng mục Phim Việt Nam dự thi.