Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật:
Cần đổi mới để đồng hành cùng sáng tác
VHO - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức Tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp”. Các chuyên gia, nhà khoa học, giới chuyên môn đã cùng nhau phân tích, làm rõ thực trạng công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (LLPB VHNT) trong suốt 50 năm qua, chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời đề xuất giải pháp cho thời kỳ mới…
Phê bình VHNT đối diện với nhiều hạn chế
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: LLPB VHNT đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng công tác LLPB trong lĩnh vực mỹ thuật vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, chưa thực sự phát huy tác dụng tích cực trong việc định hướng các hoạt động sáng tạo và thực tiễn nghệ thuật. Đặc biệt, lý luận mỹ thuật hiện tại có dấu hiệu già cỗi, cứng nhắc, ít đổi mới và xa rời thực tế sáng tạo. Xu hướng phê bình cảm tính, thiếu căn cứ lý luận đang trở nên phổ biến trong đời sống nghệ thuật.
PGS.TS Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhận định: Trong lĩnh vực nghệ thuật, lâu nay vẫn tồn tại một “định kiến” về mối quan hệ giữa các nghệ sĩ sáng tác và người làm công tác LLPB. Các nghệ sĩ sáng tác yêu cầu nhà phê bình phải hiểu rõ quá trình sáng tạo, phải “đặt mình vào cơn đau vượt cạn” để thấu hiểu những khó khăn, nỗ lực mà họ bỏ ra để hoàn thành tác phẩm. Chỉ khi làm được điều này, nhà phê bình mới có thể nhận diện đúng đắn những thông điệp mà nghệ sĩ muốn truyền tải qua tác phẩm của mình.
Do đó, công tác phê bình không chỉ đòi hỏi sự trung thực, khách quan mà còn cần sự cảm thông, tôn trọng và hiểu rõ bối cảnh sáng tạo. Phê bình không thể chỉ dừng lại ở việc chỉ trích hay khen ngợi mà cần phải đi sâu vào phân tích, lý giải, làm sáng tỏ những vấn đề mà người sáng tác đặt ra. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà phê bình lại né tránh những vấn đề gai góc và khó khăn, mà thay vào đó lại tập trung vào việc giới thiệu phim, viết chân dung nghệ sĩ hoặc tổng kết các sự kiện…
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm đều thống nhất nhận định: Trong 50 năm qua, công tác LLPB VHNT đã có những đóng góp quan trọng đối với sáng tác nghệ thuật. Tuy nhiên, khi đối diện với nhu cầu sáng tác ngày càng phong phú, công tác này vẫn chưa theo kịp do thiếu chiều sâu, thiếu sự phân tích sắc bén và chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn trong sáng tác.
Theo PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng ban LLPB Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, trong khi thực tiễn sáng tác khá sôi động và đa dạng thì công tác phê bình lại trầm lắng và thiếu sự đổi mới. Các bài viết, công trình lý luận và phê bình trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa... vẫn chưa đạt được mức độ sâu sắc cần thiết. Đặc biệt, chưa giải quyết triệt để các vấn đề khúc mắc trong sáng tác và thiếu sự phân tích về các yếu tố khoa học, thẩm mỹ trong tác phẩm.
Một nguyên nhân quan trọng khiến LLPB VHNT ngày càng rời rạc và thiếu hiệu quả là công tác tổ chức, quản lý của các cơ quan chức năng còn hình thức, thiếu thực chất. Các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập và chưa thực sự hỗ trợ các nhà phê bình, lý luận trong công việc của họ. Vì vậy, để công tác LLPB VHNT có thể thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự đổi mới toàn diện từ cơ chế quản lý đến nội dung, phương thức hoạt động…
Khai thác hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc
Để nâng cao chất lượng công tác LLPB VHNT, đội ngũ làm công tác này cần có phẩm chất, năng lực và khát vọng cống hiến vì đất nước và dân tộc. Công tác LLPB phải mang tính khoa học, tư tưởng, chiến đấu và thuyết phục. Phê bình phải khách quan, trong sáng, nghiêm túc, tránh các thói quen nể nang, phê bình một chiều, hình thức hoặc tệ bè phái, quy chụp thiếu trung thực…
PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, để phát triển thực chất công tác phê bình chuyên nghiệp, cần chú trọng đào tạo đội ngũ làm công tác LLPB văn nghệ. Cần xây dựng hệ thống giá trị thẩm mỹ phù hợp với thời đại mới, trong đó bản sắc dân tộc phải được bảo vệ và phát triển song song với yếu tố hiện đại và quốc tế.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết: Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. LLPB VHNT phải tôn vinh, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và quốc tế, giữa cái phổ biến và đặc thù. Mục tiêu là tạo ra sự hòa hợp giữa các yếu tố văn hóa đại chúng và tinh hoa, giữa sự thống nhất và đa dạng trong văn hóa.
“Kết quả tọa đàm sẽ là cơ sở để Hội đồng báo cáo Thường trực Thành ủy về việc tổng kết 50 năm VHNT TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất và là cơ sở để tham mưu xây dựng chiến lược phát triển VHNT trong tình hình mới”, ông Khuê chia sẻ.
Về giải pháp, ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, VHNT và công tác LLPB trong công cuộc đổi mới đất nước; chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác LLPB. Đội ngũ này cần am hiểu văn hóa, VHNT dân tộc và các phương pháp hiện đại, đồng thời phải quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng.
Ông cũng lưu ý tầm quan trọng của việc tăng cường định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên và phát huy vai trò của VHNT trong xây dựng, phát triển con người TP.HCM. Việc kế thừa và phát huy những thành tựu trong 50 năm qua, kết hợp với đổi mới cơ chế, chính sách, sẽ giúp công tác LLPB VHNT có hiệu quả cao hơn, phục vụ đời sống tinh thần của xã hội tốt hơn trong thời gian tới.