Phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương:
Bùng nổ đến phút chót
VHO - Vào thời điểm “giữa mùa đấu giá” trên thế giới, khi các phiên đấu giá chuyên đề về Nghệ thuật châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra liên tục trong các tháng 9, 10 và 11, thì cuối tuần qua, phiên đấu giá mỹ thuật “Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương” - “Les légendes de L’ école des Beaux-arts d’Indochine” của nhà đấu giá Millon đã diễn ra tại Paris và tường thuật trực tiếp tại khách sạn Sofitel Legend Metropole (Hà Nội).
Đây cũng là phiên đấu giá duplex - song song hai đầu nhận được nhiều trông đợi từ các nhà sưu tập, chuyên gia hội họa trong nước và quốc tế. Phiên đấu “Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương” diễn ra cùng lúc tại Hà Nội và Paris, với gần 60 tác phẩm đặc sắc của các danh họa Việt Nam và vẽ về Việt Nam.
Có gì trong phiên đấu giá?
Nhà phê bình mỹ thuật, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View Bùi Hoàng Anh cho biết, lần này, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội với tuổi đời 123 năm là nơi tường thuật trực tiếp phiên đấu mang tên “Những huyền thoại đến từ Trường Mỹ thuật Đông Dương” của Nhà đấu giá Millon. Đích thân ông Alexandre Millon, Chủ tịch Millon Pháp có mặt trong phiên đấu giá tại Paris với vai trò kết nối trực tiếp giữa hai đầu cầu Paris và Hà Nội. Ngay từ rất sớm, thông tin có gần 60 tác phẩm chọn lọc được đấu trong phiên (từ Pháp) đã được người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập mong chờ. Điều này càng khiến cho phiên đấu giá trở nên hấp dẫn và bùng nổ.
Trong phiên đấu, ngoài tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi sống ở nước ngoài như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Trần Phúc Duyên, Jean Võ Lăng, Lê Bá Đảng, Trần Văn Thọ thì ở trong nước cũng xuất hiện nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Phạm Hậu, Nguyễn Tường Lân, Lương Xuân Nhị, Trần Bình Lộc, Tôn Thất Đào, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Huyến, Đinh Minh, Nguyễn Thế Khang, Nguyễn Tiến Trinh, Lưu Công Nhân, Mai Long…
Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View Bùi Hoàng Anh cho biết, trong phiên đấu, ngoài hai tác phẩm lụa tiêu điểm của Lê Phổ (1907-2001) là Món quà từ mẹ, Quý bà và con vẹt thuộc hàng xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông còn có những bức tranh vừa quý, vừa hiếm của nhiều họa sĩ khác. Món quà từ mẹ được danh họa Lê Phổ sáng tác trong khoảng những năm 1935-1945, chất liệu mực và màu trên lụa. Ước tính mức giá trước phiên đấu từ 200.000 € đến 300.000 €; tương đương giá với bức Quý bà và con vẹt, chất liệu lụa, sáng tác khoảng năm 1938, cũng của danh họa Lê Phổ.
Những bức tranh quý, hiếm của các họa sĩ trong phiên đấu có thể kể đến Thanh xuân, lụa, sáng tác năm 1935 của Nguyễn Tường Lân. Tác phẩm đã được triển lãm năm 1936 tại SADEAI, Hà Nội. Với mức giá khởi điểm không thể tốt hơn, bức tranh này được dự đoán từ trước phiên đấu có thể sẽ đạt được những bước giá cao hơn nhiều, ước tính khoảng 30.000 € đến 40.000 €.
Tác phẩm Bến thuyền Hạ Long, 1941, bột màu của Trần Bình Lộc sáng tác trước khi ông sang Campuchia dạy học cùng họa sĩ Nguyễn Văn Quế. Nguyễn Tường Lân và Trần Bình Lộc đều không may qua đời sớm, vì vậy tác phẩm của hai ông để lại cho hậu thế không nhiều. Các chuyên gia mỹ thuật lưu ý từ trước phiên đấu, việc bổ sung tên tuổi và tác phẩm của hai ông vào bộ sưu tập là điều các nhà sưu tập rất nên cân nhắc.
Ngoài ra, trong phiên đấu còn có bức Hương mùa hạ, 1948, màu nước, mực nho trên giấy của Phạm Hậu, cũng là tác phẩm có chất liệu ít thấy của ông trên các sàn đấu giá. Tên tuổi của Nguyễn Tường Tam cũng được hiện diện với bản in khắc gỗ màu Lời khuyên của một ni sư cũng là một lựa chọn tốt. Bản tranh khắc gỗ Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ với giá ước tính tốt cũng là sự lựa chọn góp phần làm phong phú cho sưu tập cá nhân.
Bà Bùi Hoàng Anh cho biết thêm, trong số các giáo sư, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì Joseph Inguimberty và Alix Aymé là hai nghệ sĩ thường xuyên có tranh trong các phiên đấu tranh Việt. Bức tranh Người phụ nữ trên cánh đồng lúa, 1928 của GS Inguimberty được sáng tác trong ba năm đầu kể từ khi đến Việt Nam (năm 1925) là một bức tranh đẹp, khuôn khổ lớn, có giá trị.
Bức Cảnh chợ tại Hà Nội, sáng tác khoảng năm 1930, sơn dầu là một trong những bức tranh sơn dầu hiếm hoi, chủ đề Hà Nội của Alix. Các bức tranh tĩnh vật hoa rực rỡ, kích thước nhỏ xinh, giá ước tính mềm mại của Lê Phổ hay chân dung thiếu nữ thanh lịch của Vũ Cao Đàm, gia đình hạnh phúc của Mai Trung Thứ hoặc bức Bóng nước bên sông, sơn mài của Trần Phúc Duyên, cùng một vài lựa chọn cho tên tuổi của Lương Xuân Nhị… cũng là những tác phẩm mà các nhà sưu tập được lưu ý nên quan tâm. Bức lụa Du xuân mềm mại, bắt mắt của Lê Văn Xương xuất hiện năm 2016 tại Nhà đấu giá Lý Thị, nay mới xuất hiện trở lại cũng dự kiến sẽ được người yêu nghệ thuật dành ưu ái.
Về cơ bản, trong các phiên đấu quốc tế tranh Việt, các tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thường được “cân lên đặt xuống” bởi nhà sưu tập phải cân nhắc nhiều về “tính chân bản”. Còn ở phiên đấu này của Millon, bức Thiếu nữ, sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm đã được in trong hai cuốn sách 1997, 2005, thời điểm họa sĩ còn đang sống là một minh chứng tốt cho tính chân bản. Mức giá ước tính khoảng 50.000 € đến 60.000 € được đánh giá là điểm hấp dẫn, mang đến cơ hội để bức tranh sẽ tìm đến một sưu tập tốt.
Bùng nổ bất ngờ đến từ độ đẹp, hiếm, quý
“Thời điểm này đang “giữa mùa đấu giá” trên toàn thế giới, các phiên chuyên đề về Nghệ thuật châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra liên tục trong các tháng 9, 10 và 11. Các giao dịch bùng nổ bất ngờ phải đến từ chính độ đẹp, độ hiếm, quý của tác phẩm…”, Giám đốc Nghệ thuật Viet
Art View Bùi Hoàng Anh cho biết. Vì vậy, đây cũng là thời điểm “cân não” cho nhà đấu giá khi tổ chức các phiên đấu. Tổ chức nào có uy tín sẽ nhận được nhiều ủy thác các tác phẩm quý, hấp dẫn được các nhà sưu tập. Việc tổ chức phiên chuyên nghiệp, giới thiệu nội dung tác phẩm với các nghiên cứu tỉ mỉ, phong phú các hình thức thể hiện, kết hợp với truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là những điểm cộng cho phiên đấu.
Phiên đấu duplex ngày 12.10 của Millon diễn ra từ 17h đến tối muộn (theo giờ Việt Nam), quy tụ nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng cùng sự trực tiếp tham gia của Chủ tịch Millon Pháp Alexandre Millon đã mang đến nhiều bùng nổ. Đây cũng là điều được mong chờ nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường đấu giá mỹ thuật tại Việt Nam cũng như góp phần nâng tầm thương hiệu mỹ thuật Việt.
Trong số nhiều tác phẩm được đấu giá thành công ở mức giá lý tưởng, Lot 24 - tranh Lê Phổ, tác phẩm Món quà từ mẹ được đấu thành công với mức giá 600.000 €; Lot 25 - Lê Phổ, tác phẩm Quý bà và con vẹt với mức giá 315.000 €; Lot 32, tranh Nguyễn Tường Lân có mức giá 310.000 €; Lot 17, tranh Trần Phúc Duyên được đấu thành công với mức giá 112.000 €; Lot 65, tranh của Nguyễn Tư Nghiêm với mức giá 65.000 €… Tất cả các mức giá này sẽ cộng thêm 30% tiền thuế. Gần nửa năm trước, lễ ký kết hợp tác toàn diện Nhà đấu giá Millon Pháp với đối tác tại Việt Nam - Công ty cổ phần Blue Indochine đã được tổ chức khoảng giữa tháng 4 tại Hà Nội. Chủ tịch Millon Pháp Alexandre Millon cho biết, Nhà đấu giá Millon Pháp thời gian qua đã dành nhiều sự quan tâm tới thị trường nghệ thuật Việt Nam, đã bán đấu giá nhiều hiện vật và tác phẩm quý của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, Nhà đấu giá Millon là đơn vị duy nhất tổ chức phiên đấu giá quốc tế tác phẩm Nghệ thuật Việt Nam dưới hình thức “Duplex - song song hai đầu”. Việc ký kết hợp tác toàn diện với các đối tác tại Việt Nam của Nhà đấu giá Millon Pháp đã mở ra nhiều cơ hội, tín hiệu đáng mừng, tạo điều kiện cho người bán tìm đến đại diện Millon tại Việt Nam nhằm tin tưởng ủy thác hiện vật quý; người mua có cơ sở pháp lý để thực hiện sưu tầm với các giá trị nguồn gốc công khai, rõ ràng, minh bạch. Các hiện vật quý cũng tìm được người sở hữu giảm bớt rủi ro hay mua bảo hiểm với chi phí đắt đỏ khi phải di chuyển giữa các quốc gia.