Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật BÙI HOÀNG ANH

VHO - Ngày 18. 6. 2024, Nhà đấu giá Millon sẽ tổ chức đấu giá một tác phẩm duy nhất trong phiên “VENTE DUPLEX SO UNIQUE” - Tác phẩm “Tình mẫu tử”, chất liệu lụa, sáng tác khoảng 1935-1945, kích thước 62.5cm × 46cm của họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001).

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 1

Lê Phổ (1907- 2001). Tình mẫu tử, khoảng 1935-1945. Mực và bột màu trên lụa

Ký tên và đóng dấu phía trên bên phải, khung kính, 62.5 × 46 cm

Xuất xứ: Bộ sưu tập tư nhân, Pháp. Ước tính: 200.000 – 300.000 EUR

Ngày 18.6.2024, Nhà đấu giá Millon sẽ tổ chức đấu giá một tác phẩm duy nhất trong phiên “VENTE DUPLEX SO UNIQUE”- tác phẩm “Tình mẫu tử”, chất liệu lụa, sáng tác khoảng 1935-1945, kích thước 62.5cm × 46cm của Lê Phổ (1907-2001).

Để tổ chức một phiên chỉ đấu một bức duy nhất, Nhà đấu giá Millon đã có những đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại của tác phẩm xuất sắc, tuyệt đẹp này. 

Chuẩn bị cho phiên đấu với kết quả tốt nhất có thể, Nhà đấu giá Millon đã trao đổi cụ thể về một số nội dung thể hiện bằng bài viết, video nghệ thuật… nhằm nêu bật vẻ đẹp đặc biệt của tác phẩm “Tình mẫu tử”. 

Với “Tình mẫu tử”, các chuyên gia đặt tác phẩm ở một vị thế đặc biệt, tiêu biểu, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ trong chủ đề mẫu tử. Tác phẩm được hi vọng sẽ được bán đấu giá thành công với kết quả tốt, trở thành tác phẩm tiêu điểm trong một bộ sưu tập Nghệ thuật chất lượng. 

Phiên đấu đặc biệt này cũng là tiền đề cho phiên đấu giá “Duplex Nghệ thuật Việt Nam: Trung tuần tháng 9.2024”. Trong phiên sẽ bao gồm nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam có nhiều thành tựu.

Lê Phổ sinh năm 1907 tại Hà Đông. Thân phụ của ông là Lê Hoan - Phó Vương Bắc Kỳ. Lễ giáo phong kiến thời đó cho phép nam giới có nhiều hơn một người vợ. Vì vậy, giống như những người nam có điều kiện kinh tế hoặc chức quan, cha của Lê Phổ cũng không phải là ngoại lệ. Mẹ của Lê Phổ là người vợ trẻ nhất của cha. Lê Phổ là một trong ba người con trai mà bà đã hạ sinh. Lê Phổ trở thành em bé mồ côi mẹ ở tuổi lên ba và cha ông cũng qua đời khi ông lên tám. Vì vậy, tuổi thơ của Lê Phổ không được nhiều ấm áp trong vòng tay cha mẹ. 

Chính vì sự thiếu thốn tình thương cha mẹ nên với Lê Phổ “những năm tháng vô cùng tươi đẹp” của ông là khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lê Phổ rất kính yêu thầy giáo của mình - ngài Victor Tardieu cũng như quý mến người thầy thứ hai - Joseph Inguimberty.

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 2

Lê Phổ (góc trái) cùng hai anh trai và hai người vợ và các con, 1931, tại Sài Gòn. Một thời gian ngắn trước khi Lê Phổ thực hiện chuyến đi đến Paris lần đầu tiên

Năm 1931, Lê Phổ được thầy Victor Tardieu chọn làm trợ lý tại Triển lãm các nước thuộc địa diễn ra tại Paris. Đây là lần đầu tiên chàng trai trẻ Lê Phổ ra nước ngoài. Năm 1932, ông kiến tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia, Paris. Năm 1933, Lê Phổ quay trở lại Việt Nam. Ông tham gia dạy vẽ tập sự tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dạy vẽ ở Trường Trung học Bảo hộ và được học sinh yêu mến.

Năm 1937, Lê Phổ trở thành Giám đốc Nghệ thuật phụ trách mảng Đông Dương của Triển lãm Quốc tế được tổ chức tại đảo Thiên Nga - triển lãm mà người thầy yêu kính, Giáo sư Victor Tardieu dành nhiều tâm huyết. Bởi ở đây trưng bày những tác phẩm nghệ thuật “có chất lượng cao” của những thế hệ sinh viên đầu tiên học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 

Trong lá thư ngày 2. 6.1937 viết từ Hà Nội, Victor Tardieu hào hứng miêu tả tỉ mỉ về mô hình thiết kế trưng bày. 10 ngày sau khi viết lá thư trên, Victor Tardieu đột ngột qua đời tại Hà Nội. Lúc này Lê Phổ vẫn đang ở Pháp. Có phải chăng, những người gần gũi và yêu kính của ông là cha, mẹ và người thầy tuyệt vời đều giã từ hậu thế… đã khiến cho Lê Phổ quyết định ở lại Pháp định cư, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Hội họa Lê Phổ

Về căn bản, hội họa Lê Phổ thuộc trường phái lãng mạn, giao hòa giữa văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, được chia làm ba giai đoạn. Thời kỳ đầu là khoảng thời gian Lê Phổ ở Hà Nội, và vài năm sau khi ông ở Pháp. Chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu được ông thể nghiệm đầy đủ. Phong cách hội họa căn bản, cổ điển, hiện thực, hàn lâm…

Thời kỳ thứ hai gọi là thời kỳ Romanet. Phong cách hội họa thời kỳ này rất sâu đậm, được vun đắp bởi tình bạn đặc biệt giữa Lê Phổ và quý ngài André Romanet - ông chủ của Galerie Romanet. Việc này duy trì trong 23 năm…, từ 1941- 1964. 

Tranh lụa của Lê Phổ thời kỳ này đạt nhiều thành tựu. Lê Phổ tạo hình người nữ Việt Nam với trang phục truyền thống; đậm chất lãng mạn, phong thái nền nã, duyên dáng… các chi tiết trang trí đậm tính Việt, lấy cảm hứng sâu sắc từ hình ảnh, phong tục, tập quán quê hương.

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 3

 Hà Đông, quê nhà Lê Phổ trước 1945

Thời kỳ thứ ba (thời kỳ cuối) của Lê Phổ bắt đầu khi ông ký hợp đồng độc quyền với Wally Findlay Galleries của Hoa Kỳ vào năm 1964. Từ thời điểm này, ông gần như chỉ sáng tác trên chất liệu sơn dầu. 

Tạo hình người nữ Việt và những em bé vẫn luôn hiện diện nhưng phong cách, bút pháp, màu sắc trong tranh mang âm hưởng mạnh mẽ của trường phái Ấn tượng – Hậu Ấn tượng châu Âu; tạo nên sức hút lớn cho tranh Lê Phổ.

 Thời điểm sáng tác

Dựa theo các chi tiết tạo hình trên mặt tranh, dựa theo một số tác phẩm có chủ đề, nhân vật, phong cách sáng tác, chữ ký, triện tương đồng, có thể tác phẩm “Tình mẫu tử” được Lê Phổ sáng tác trong khoảng 1935-1945. Tương đương với thời kỳ thứ hai của Lê Phổ, trước và sau khi ông chính thức định cư ở Pháp từ 1937. 

Đây là thời kỳ sáng tác đỉnh cao trên chất liệu lụa, cũng là đỉnh cao về giá trị nghệ thuật trong suốt sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ. Thời kỳ này là sự giao thoa của nhiều tầng văn hóa giữa Đông và Tây trong nghệ thuật của ông. Các tác phẩm được sáng tác từ trong ý niệm của một người Việt luôn hướng cái nhìn nhân sinh quan về quê hương. Để lý giải về sự giao thoa mạnh mẽ này, chúng ta lật ngược một vài dấu mốc. 

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 4

 Lê Phổ chụp năm 1931 gần Angkor Wat Pavilion tại Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris

Năm 1931, lần đầu tiên đặt chân đến châu Âu, được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm đỉnh cao của Nghệ thuật hàn lâm cổ điển tại các bảo tàng ở Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ… Lê Phổ đã thật sự choáng ngợp về thành tựu của các họa sĩ bậc thầy cổ điển. Ông say mê những tạo hình chuẩn mực, phong cách cổ điển lãng mạn, sự tinh tế trong kỹ thuật. Trong đầu dần hình thành nên bao ý tưởng về nghệ thuật. 

Năm 1934, Lê Phổ có dịp sống trong Huế một thời gian ngắn để hoàn thiện một số đơn đặt hàng từ Cung đình Huế như chân dung Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Cũng giống như Mai Trung Thứ, ông đã bị mê hoặc bởi sự dịu dàng người nữ Huế cùng kiến trúc, cảnh quan nơi đây. Cùng năm, ông cũng đã tận dụng chuyến đi Bắc Kinh để học hỏi nền hội họa Trung Hoa với truyền thống hàng ngàn năm; cảm thụ nét tinh túy của tranh lụa qua những bức tranh kinh điển trong bảo tàng.

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 5

Nhà môi giới tranh Wally Findlay Jr. và Lê Phổ. findlaygalleries.com 

Những trải nghiệm ấy cùng những năm tháng được tiếp thu bài bản nền giáo dục nghệ thuật của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (từ 1925-1930),… đã hình thành một phong cách sáng tạo, một bút pháp riêng biệt mang tên “Hội họa của Lê Phổ”. Với dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản, tình yêu tha thiết con người, cảnh sắc quê hương,… tất cả những điều ấy đã hòa quyện trong các tác phẩm của ông. Đặc biệt, những tác phẩm trên chất liệu lụa thời kỳ từ 1935-1945, chủ đề thiếu nữ, mẫu tử, gia đình đã trở thành biểu tượng đắt giá bậc nhất về nghệ thuật cũng như thương mại của Lê Phổ. 

Biểu tượng của tình mẫu tử

Nằm trong chủ đề mẹ và con, bức tranh lụa “Tình mẫu tử” được Nhà đấu giá Millon trưng bày và đấu giá ngày 18. 6.2024 là một trong những tác phẩm lụa xuất sắc nhất đề tài mẫu tử của Lê Phổ. Việc này dựa trên những đánh giá khách quan khi so sánh tương quan với những tác phẩm cùng chủ đề và thời gian sáng tác của ông.

Nhà đấu giá Million giới thiệu tranh lụa xuất sắc bậc nhất về Tình mẫu tử của Lê Phổ - ảnh 6
Lê Phổ (1907-2001)

Toàn bộ chi tiết hiện diện trong tác phẩm đều gợi nhớ hình ảnh thân thương của gia đình Việt, thời kỳ trước 1945. Từ trang phục cho người mẹ như áo dài (thiết kế kiểu dáng Lê Phổ), khăn mấn màu sáng đội đầu (người nữ Huế thường dùng), đến các chi tiết trang trí như chiếc bình sứ cổ cao, dáng đùi dế, màu bạch định đang cắm những bông hoa hồng trà; cái bàn văn kỷ (thấp) thường dùng để uống trà, viết lách. Loại bàn này vốn có nguồn gốc Trung Hoa với dáng (chân) thẳng; khi du nhập về Việt Nam đã được tạo dáng bốn chân khuỳnh ra.

Các nghệ sĩ Đông Dương đã dùng sơn ta, sơn son thếp vàng, trang trí thêm họa tiết hoa lá, tạo nên một loại thiết kế mới rất được ưa chuộng trong các gia đình thành thị. Dưới sàn là tấm thảm hoa nhiều màu được làm nhòe mờ đi để tập trung tôn vẻ đẹp của hai nhân vật chính.

Tạo hình hai nhân vật vô cùng hợp lý, hài hòa. Tỉ lệ hình thể giữa người mẹ và đứa con nhỏ cân đối, trong dáng vẻ thanh tú, nhẹ nhàng. 

Bé trai được tạo hình bụ bẫm, hồng hào, mái tóc đen nhánh, đôi má phúng phính đang vòng tay ôm lấy cổ mẹ, đôi mắt ngước nhìn. Người mẹ trẻ ngồi, đôi tay nhẹ nhàng mở rộng, vỗ về, ôm trọn lấy đứa con trong sự yêu thương khôn tả. 

Hình ảnh em bé trai khỏe mạnh, ngoài việc là biểu tượng về sức khỏe cho tương lai với những trọng trách lớn trong gia đình, còn hàm chứa bao la tình mẹ đã dành cho con nguồn mạch dinh dưỡng từ thể chất đến tâm hồn. Tình yêu thương chính là nguồn dưỡng chất tốt nhất cho tâm hồn, giúp cho đứa trẻ hình thành một nhân cách tốt đẹp. 

Nét tinh tế đầy chủ ý của tác giả được hiện lên rõ ràng khi mô tả hình ảnh người mẹ trẻ dịu dàng dùng vạt áo che một phần thân thể của đứa con. Đây là điểm nổi bật, điểm khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Chỉ từ một hành động đơn giản “lấy vạt áo che cho con”, tưởng chừng như “vô thức” nhưng trên thực tế, được hình thành từ hệ tư tưởng truyền thống Á Đông “bao dung và che chở” mà người mẹ đã được truyền dạy qua nhiều thế hệ. 

Những chi tiết không kém phần tinh tế khác được họa sĩ khéo léo thể hiện như hình ảnh chiếc khăn choàng. Chủ ý này của tác giả đã khiến cho bức tranh hoàn thiện thêm vẻ đẹp mềm mại, thấm đẫm chất nữ Việt. Chiếc khăn choàng mỏng manh, dịu dàng khoác trên vai người mẹ, buông hờ quấn quýt quanh mẹ con vừa giải quyết được vấn đề tạo hình, bố cục; vừa giải quyết được trọn vẹn biểu hiện giao thức tình yêu thương, sự chăm sóc hết mực của người mẹ với đứa con.

Điểm đặc biệt của tác phẩm “Tình mẫu tử”, chính là vẻ đẹp nội tâm tác phẩm… và cũng là điều chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Nghệ sĩ dùng sắc màu trung tính, ấm mềm, rất vừa độ. Nhưng dường như, sự ấm áp, dịu mềm ấy không phải là cảm giác từ màu sắc; mà sự ấm áp diệu kỳ bao phủ toàn bộ không gian ấy, được tỏa ra từ chính tình yêu thương của người mẹ dành cho con…

Hội họa phải diễn tả những điều không nhìn thấy được mà phải là cái tâm tưởng bên trong Đây là những thứ không thể nhìn bằng mắt thường mà cái tâm tưởng ấy phải được “nhìn thấu” bằng cảm xúc. Lê Phổ đã sử dụng hoàn hảo khả năng nghệ thuật ở mức cao nhất nhằm diễn đạt tâm ý của chính mình.

Xét tổng thể tác phẩm, từ tạo hình đến hòa sắc và các chi tiết, chúng tôi nhận định: Đây là tác phẩm tranh lụa đề tài mẫu tử xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ. Bức tranh này xứng đáng trở thành tiêu điểm quan trọng trong một bộ sưu tập nghệ thuật chất lượng. 

Có cảm giác thời gian lắng đọng lại khi ngắm nhìn tác phẩm đẹp tuyệt này. Khoảng trời bao la với thiên nhiên tươi đẹp, nếp nhà ấm áp lan tỏa những dịu dàng âu yếm bởi trong tâm trí của mỗi chúng ta đều có một thiên thần mang tên: Mẹ. Thông điệp của tác phẩm đong đầy những xúc cảm - Tình yêu thương của mẹ là nguồn cội nuôi dưỡng mạch sống cho tâm hồn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc