Liên hoan Múa châu Á năm 2024:

Bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa

THANH MAI

VHO - Tối 2.12, tại Học viện Múa Việt Nam đã diễn ra chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Múa châu Á năm 20 tại Học viện Múa Việt Nam 24.

Bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa - ảnh 1
Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Múa châu Á năm 2024Lee Chul-jin và Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Nguyễn Thúy Nga phát biểu tại chương trình

Liên hoan Múa châu Á năm 2024 (ADF) do Học viện Múa Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật và Múa Hàn Quốc tổ chức, quy tụ nhiều quốc gia: Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Liên hoan nhằm giới thiệu di sản văn hóa phong phú và những đổi mới trong múa truyền thống, múa đương đại của nhiều quốc gia châu Á.

Sự kiện không chỉ mang đến một môi trường học tập độc đáo để trao đổi và hợp tác nghệ thuật mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa sâu sắc giữa các nước trong lĩnh vực múa.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Múa châu Á năm 2024 Lee Chul-jin bày tỏ niềm hạnh phúc khi trở lại Hà Nội, nơi ông từng có cơ hội giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam cách đây hai năm.

“Lần này quay trở lại, tôi mong muốn đem Liên hoan Múa châu Á năm 2024 đến với Việt Nam để kết nối các nước châu Á đến Việt Nam như một cầu nối để gắn kết các quốc gia châu Á qua nghệ thuật múa. Hy vọng rằng, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ xây dựng mối quan hệ gắn bó và thấu hiểu sâu sắc hơn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đầy cảm xúc này”, ông Lee Chul-jin nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Nguyễn Thúy Nga cũng gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Nghệ thuật và Múa Hàn Quốc vì đã kết nối và hỗ trợ Học viện Múa Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan Múa châu Á năm 2024.

Bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa - ảnh 2
Các đoàn nghệ thuật chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu

Trước đó, Liên hoan Múa châu Á năm 2023 được tổ chức tại Seoul và Học viện Múa Việt Nam vinh dự góp mặt với tư cách khách mời.

“Quay trở lại năm nay, Liên hoan quy tụ các đơn vị nghệ thuật múa hàng đầu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, tạo cơ hội để nghệ sĩ múa Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm sáng tạo. Đồng thời, đây còn là dịp để giới thiệu và quảng bá những nét tinh hoa của nghệ thuật múa truyền thống lẫn đương đại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, bà Nguyễn Thúy Nga cho biết thêm.

Với chủ đề Giữ gìn bản sắc chung của châu Á thông qua nghệ thuật Múa và tăng cường mối quan hệ các nước trong khu vực, chương trình biểu diễn như bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa. Các nghệ sĩ múa từ nhiều quốc gia đã mang đến những tiết mục đặc sắc, vừa tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống, vừa lồng ghép yếu tố đương đại, tạo nên sự giao thoa độc đáo.

Liên hoan Múa châu Á năm 2024 cũng là cơ hội để khán giả thưởng thức và cảm nhận rõ vẻ đẹp của nghệ thuật múa châu Á trong thời đại hội nhập.

Tại chương trình, đoàn nghệ thuật Việt Nam đã trình diễn nhiều tiết mục hấp dẫn, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc như: Mùa ban nở (Học viện Múa Việt Nam), Dâng (Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh), Em và núi (Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội), Khúc biến tấu Cao Lan (Nhà hát Múa Nhạc dân gian Việt Bắc), Giác Ngộ (Học viện Múa Việt Nam),…..

Bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa - ảnh 3
Tiết mục Mùa ban nở của Tập thể nữ K31/4, Học viện Múa Việt Nam

Tác phẩm múa Mùa hoa ban nở là minh chứng cho nét đẹp văn hóa dân tộc Thái, một trong những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật múa truyền thống và các biểu tượng văn hóa đặc trưng tạo nên một tác phẩm đầy ấn tượng. Được biên đạo bởi NSND Đỗ Minh Tiến, tác phẩm múa khắc họa hình ảnh hoa ban, loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc, một biểu tượng của sự sống mới, hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Tại chương trình, các nghệ sĩ đã thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu, mang đến những màn trình diễn đầy cảm xúc và sống động. Mỗi bước nhảy, mỗi động tác đều kể lại câu chuyện của từng dân tộc, hòa quyện giữa kỹ thuật điêu luyện và cảm xúc sâu lắng. Các nghệ sĩ từ Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản không chỉ tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong nghệ thuật múa đương đại.

Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc mang đến hai tiết mục: Fan dance GeomungoJinju Gyobang Gutgeori Chum.

Điệu múa Jinju Gyobang Gutgeori được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Kyungnam, bao gồm tám chuỗi tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Bắt nguồn từ nghệ thuật của Deotbaegi ở tỉnh Kyungsang-do, điệu nhảy này kết hợp các tư thế tinh tế và động tác.

Trong khi đó, Fan dance Geomungo là sự hợp tác vũ đạo giữa Bae Jung-hye và Hong Eun-joo, thuộc thể loại neo-traditional. Tác phẩm truyền tải cảm xúc vương giả của nữ hoàng, thể hiện qua chiếc quạt và những động tác trang trọng, chính xác theo giai điệu geomungo (đàn tam thập lục của Hàn Quốc).

Các đoàn nghệ thuật quốc tế cũng mang đến nhiều màn trình diễn cuốn hút, khiến khán giả chìm đắm trong từng nhịp điệu và cảm nhận được chiều sâu văn hóa và thông điệp mà nghệ thuật múa truyền tải. Sự thăng hoa của các nghệ sĩ đã mở ra không gian nghệ thuật đầy ý nghĩa, đa sắc màu văn hóa.

Bức tranh sống động, rực rỡ màu sắc văn hóa - ảnh 4
Tác phẩm múa Baal Gopal Tarangam tái hiện điệu múa cổ xưa của Ấn Độ

Tiếp nối chuỗi hoạt động trong Liên hoan Múa châu Á năm 2024, chương trình Hội thảo IDANS sẽ diễn ra vào 3.12.2024 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Workshop giữa các chuyên gia, nghệ sĩ với giảng viên, học sinh Học viện Múa Việt Nam vào 4.12.2024 tại Học viện Múa Việt Nam (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).