Đổi mới sân khấu thủ đô:
Bắt đầu từ đâu?
VHO - Trong tình hình hiện nay, ngành sân khấu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, như: Thiếu kịch bản hay, thiếu đạo diễn, diễn viên giỏi, thiếu kinh phí hoạt động… Song song đó, công chúng cũng đang có rất nhiều hình thức giải trí hiện đại, hấp dẫn; truyền thông và mạng xã hội “phủ sóng”, chiếm giữ toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mỗi người...
Hội thảo “70 năm sân khấu Hà Nội” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức đã mang tới những lát cắt khá toàn diện về diện mạo Sân khấu Thủ đô hôm nay, đặc biệt là nhìn thẳng vào những vấn đề tồn tại, những nút thắt vẫn chưa có hồi kết…
Những tồn tại, nút thắt “mỏi mòn”
Nhìn lại chặng đường phát triển 70 năm qua để trân trọng sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ đã làm nên thương hiệu nghệ thuật của sân khấu Thủ đô, Hội thảo thêm một lần nữa tôn vinh những thành quả đáng ghi nhận, đồng thời có những đóng góp nhằm xây dựng nên một diện mạo đầy sinh khí cho đời sống sân khấu trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội nhận định: “Càng ngày, tiếng nói và vị trí của sân khấu Hà Nội so với sân khấu cả nước càng hạn chế, có lúc đáng lo ngại, kể cả Kịch nói vốn từng là một điểm rất mạnh. Riêng Cải lương, dù không tránh khỏi những khó khăn, nhưng duy trì được chất lượng nghệ thuật; còn Chèo vẫn nhức nhối với vấn đề kết hợp giữa kim và cổ, giữa giữ gìn bản sắc hay tiếp thu yếu tố hiện đại…”.
NSND Thanh Trầm nhấn mạnh thêm, khán giả Hà Nội có tri thức, có thẩm mỹ luôn đòi hỏi những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Điều này đặt ra yêu cầu sân khấu Hà Nội cần phải đổi mới và phát triển hơn nữa mới có thể hấp dẫn công chúng.
Tác giả Toàn Thắng lại cho rằng, các vở diễn trong thời gian gần đây vẫn rất hay, rất có ý nghĩa, nhưng không mới và không chạm được vào trái tim khán giả. Lạc hậu hơn, sân khấu truyền thống vẫn mòn mỏi với mảng đề tài “trung quân ái quốc”, “bi lụy tình ái” nhưng câu chuyện và cách thể hiện không giống với cách suy nghĩ, thị hiếu của khán giả đương thời. Sân khấu Kịch nói vốn được coi là “mũi nhọn” thì lại quá nhạt nhòa, không chuyển tải được hơi thở nóng hổi của cuộc sống.
“Người ta đi xem sân khấu Hà Nội mà không thấy chân dung con người Hà Nội thanh lịch, nho nhã, không thấy những danh nhân lịch sử đã góp phần làm nên một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Khán giả vẫn rất vui khi đến một nhà hát của Thủ đô để xem kịch về vua Đinh Tiên Hoàng (gốc ở Ninh Bình), nhưng chắc chắn họ sẽ vui hơn nếu đó là vở kịch về một danh nhân gốc Hà Nội. Khán giả lại càng vui nếu vở diễn kể câu chuyện Hà Nội đã phải vật lộn thế nào để giữ được cốt cách mà vẫn tương thích với đời sống hiện đại...”, tác giả Toàn Thắng nêu.
Cho rằng sân khấu Thủ đô đã và đang sở hữu những cơ sở vật chất tương đối tốt, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu sáng tạo của các đạo diễn, TS Cao Ngọc nhận định: Một số nhà hát được xây mới nhưng sàn diễn chưa đủ độ sâu, thiếu độ cao, thiếu kích thước để sắp xếp phông màn đúng chuẩn, âm thanh, ánh sáng không đạt, ghế ngồi ở khán phòng sắp xếp chưa hợp lý… Tuy nhiên, cứ được xây dựng là đã mừng. Bởi vẫn còn đó những đơn vị chưa có “nhà riêng” như Nhà hát Cải lương Việt Nam...
“Càng đáng tiếc hơn khi những tài năng trẻ mỏi mòn “xếp hàng” sau lứa đàn anh đàn chị, chờ đến lượt được bước lên sàn diễn. Đừng trách giới trẻ thực dụng vì yêu cầu cuộc sống luôn hối thúc người ta tiến về phía ấm no hơn, chứ không thể ôm cái bụng rỗng để cống hiến cho nghệ thuật như lớp cha ông thủa trước”, TS Cao Ngọc khẳng định.
Cần thay đổi chính mình để tìm ra hướng đi mới
Nhiều tham luận thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay sân khấu Hà Nội vẫn chưa được đầu tư một cách thích đáng, có chiều sâu để tạo nên những tác phẩm tầm cỡ, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.
Chia sẻ quan điểm về đầu tư, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định, yêu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, đặt ra nhiệm vụ cho nghệ thuật sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều trại sáng tác, giao cho các cục, vụ chức năng triển khai các cuộc thi sáng tác nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ cũng có nhiều chính sách phát triển văn hóa như: Thành lập các nhà sáng tác; Tổ chức liên hoan, cuộc thi trong nước và quốc tế; Hỗ trợ, ủng hộ các đơn vị, các loại hình nghệ thuật; Chỉ đạo, sắp xếp lại các đơn vị, nhà hát; Tổ chức trại sáng tác trên toàn quốc... Sự đầu tư có trọng điểm ấy đã phần nào duy trì được bầu không khí sáng tạo của sân khấu hiện nay.
Cùng với Bộ VHTTDL, Thành phố Hà Nội thời gian qua cũng đã chỉ đạo nhiều hoạt động để thúc đẩy nghệ thuật sân khấu như: Xây dựng Đề án Quy hoạch và phát triển các đơn vị nghệ thuật; Tổ chức định kỳ Liên hoan sân khấu Thủ đô; Tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá chất lượng nghệ thuật; hỗ trợ đào tạo về công nghệ cho nghệ sĩ trẻ; Tổ chức cho các câu lạc bộ biểu diễn phục vụ khách du lịch tại khu phố cổ…
70 năm qua, sân khấu Hà Nội dù trải qua nhiều khó khăn, thậm chí biến động nhưng vẫn đạt được những thành tựu không nhỏ, thể hiện ở chất lượng các tác phẩm và sự trưởng thành các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, rõ ràng sân khấu Thủ đô như cỗ xe đã quá cũ, lạc điệu với đời sống xã hội hiện đại. Muốn đổi mới, cải tổ thì bên cạnh sự đầu tư kịp thời, có trọng điểm, có định hướng thì bản thân giới nghề cũng phải thay đổi chính mình để tìm ra hướng đi mới, xây dựng những tác phẩm có chất lượng, đề cao giá trị cốt lõi của đất và con người Thủ đô.