Triển lãm “Hồi ức Biệt động”: Tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

THÙY TRANG

VHO - Triển lãm “Hồi ức Biệt động” đang diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Triển lãm do sinh viên tổ chức, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Hồi ức Biệt động thành”.

Triển lãm “Hồi ức Biệt động”: Tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định - ảnh 1
Sinh viên nghe kể về những trận đánh năm xưa để cùng nhìn lại trang sử hào hùng của dân tộc

Triển lãm "Hồi ức Biệt động” là một trong hai hoạt động chính của chuỗi sự kiện đặc biệt nhằm kỷ niệm 57 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (30.1.1968 - 30.1.2025).

Đây cũng là dịp để thế hệ sinh viên bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thông qua các hình ảnh, tư liệu và hiện vật lịch sử, triển lãm tái hiện sinh động những năm tháng đấu tranh anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Đồng thời, đây là cơ hội để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, cùng nhìn lại trang sử hào hùng của dân tộc, khắc ghi những giá trị lịch sử không thể lãng quên và truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tinh thần kiên cường cho thế hệ mai sau.

Triển lãm “Hồi ức Biệt động”: Tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định - ảnh 2
Các đại biểu xem triển lãm

Không gian triển lãm “Hồi ức Biệt động” được hình thành sau hơn một tháng thi công, với sự chỉ đạo và hướng dẫn của NSƯT – Tiến sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn và NSƯT – Đạo diễn Lê Cường, cùng sự hỗ trợ của anh Trần Thái Hà – Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Triển lãm bao gồm bảng tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định và 5 bảng thông tin về các trận đánh nổi bật của lực lượng Biệt động, với hình ảnh minh họa cho các trận tại Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Triển lãm cũng tái hiện sinh động các hiện vật được sử dụng trong quá trình chiến đấu của các chiến sĩ Biệt động, như cà tăng, cần xé cà chua, cần xé dưa leo và thân cây dùng để giấu vũ khí.

Một hiện vật đặc biệt là bàn “cơm tấm Đại Hàn”, gắn liền với các hoạt động trao đổi thông tin bí mật qua ám hiệu. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hoạt động viết thư "ẩn" bằng nước bột giặt và nước giã từ củ nghệ, minh chứng cho sự linh hoạt và tài năng quân sự của các chiến sĩ Biệt động Thành.

Triển lãm “Hồi ức Biệt động”: Tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định - ảnh 3
TS.NSƯT Hoàng Duẩn, Trưởng BTC tặng hoa và phát biểu cám ơn các khách mời

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến Khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định, xúc động chia sẻ: “Tôi rất tự hào về thế hệ trẻ khi các bạn quan tâm đến lịch sử dân tộc và tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Khi thấy các bạn tổ chức một triển lãm như thế này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và tin tưởng vào thế hệ trẻ của các bạn”.

Triển lãm không chỉ giúp người tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử, mà còn khắc sâu những giá trị lịch sử không thể lãng quên. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhìn lại và trân trọng những trang sử hào hùng của dân tộc, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc trong cộng đồng.

Triển lãm “Hồi ức Biệt động” mở cửa tự do đến 21h ngày 27.12.2024. Cùng với đó, hoạt động tiếp theo trong chuỗi sự kiện của là chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Hồi ức Biệt động thành, sẽ được diễn ra vào lúc 18h ngày 27.12, tại Hội trường C, Trường ĐH Văn hoá TP.HCM - Cơ sở 1 (51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).