Thiếu nhi tham quan hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn

VHO - Hôm nay 31.8, đoàn thiếu nhi đã đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn, thuộc hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn. Chương trình do Công ty lữ hành Vietluxtour tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho thiếu nhi có thêm cơ hội đến với di tích để tìm hiểu, học tập về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của các chiến sĩ Biệt động năm xưa.

Thiếu nhi tham quan hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn - Anh 1

Thiếu nhi nghe thuyết minh về di tích

Theo đó, tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (địa chỉ 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM), đoàn du khách nhí đã được ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định hướng dẫn tham quan, kể những câu chuyện lịch sử chân thật, thú vị và đầy truyền cảm về quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. 

Từng trận đánh nổi bật làm nên tên tuổi của Biệt động, những chiến công, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Biệt động được ông kể lại, từ đó các em nhỏ thấy được giá trị lịch sử của Bảo tàng thông qua các hình ảnh, hiện vật được trưng bày và đồng thời cũng cảm nhận rõ nét, chân thật hơn những hy sinh, mất mác không gì bù đắp được, từ đó giúp các em cảm thấy yêu quý, trân trọng hơn hòa bình mà chúng ta đang có được như ngày hôm nay…

Cùng ngày, đoàn đã di chuyển sang tham quan Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1. Tại đây, các em nhỏ đã được nghe thuyết minh về quá trình căn nhà được sử dụng để làm địa điểm cất giấu thư từ, tài liệu mật và cũng là nơi lui tới hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Sau phần thuyết minh, các em được thưởng thức món ăn đặc trưng của quán là Cơm tấm Đại Hàn với món kim chi độc đáo…

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27.8.2023. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt, là bảo tàng nằm trong di tích.

Bảo tàng có 7 bộ sưu tập (BST) hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động, gồm: BST các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; BST những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; BST vũ khí; BST vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; BST dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; BST thiết bị thông tin liên lạc… 

Thiếu nhi tham quan hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn - Anh 2

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là địa chỉ thu hút nhiều du khách

Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt và duy nhất ở Bảo tàng là BST hầm bí mật và BST phương tiện đi lại để hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Được biết, Bảo tàng cùng với Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung thuộc hệ thống các di tích của Biệt động Sài Gòn. Thông tin thêm về Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn, CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cho biết, từ những năm 1965, khi lực lượng Quốc quân Đại Hàn Dân Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và triển khai đóng quân tại nhiều khu vực, trong đó có đơn vị ở tại một Cư xá đối diện với quán cà phê, cơm tấm Đỗ-Phủ. 

Quán cà phê, cơm tấm này là của ông Đỗ Miễn và bà Sự (cộng sự của ông Trần Văn Lai) xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trong căn nhà có các khu như: Hộp thư tình báo từng được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trao đổi thư từ, vàng, thuốc, tiền,... giữa nội đô Sài Gòn và chiến khu. Hầm nổi dưới ngụy trang tủ quần áo, giúp các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn có thể thoát nhanh khi bị phát hiện. Hộp thư bí mật ngụy trang dưới chân cột trong bếp ẩn chứa thư từ, vũ khí… 

Về giá trị văn hóa, tiệm cơm tấm ở 113A Đặng Dung là sự pha trộn giữa cơm tấm Việt Nam cùng kim chi Hàn Quốc tạo nên sự mới lạ về hương vị. Món bánh quẩy gắn liền với cuộc sống mưu sinh tất bật của người lao động và giới trí thức Sài Gòn một thời chuộng quẩy chấm cà phê. Kiến trúc cổ kính của một căn nhà gỗ, có treo lá cờ hai mẫu xanh, đỏ cùng ngôi sao vàng 5 cánh đang tung bay phấp phới - lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…

Hệ thống di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại TP.HCM hiện nay là những địa điểm thu hút sự tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ. Các di tích đã và đang phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đồng thời gắn kết du lịch, tạo sự phát triển chung của thành phố…

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc