Đề xuất lập Bia di tích tưởng niệm liệt sĩ biệt động Sài Gòn

THÙY TRANG

VHO - Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã có đề xuất TP.HCM cho phép chủ trương lập Bia di tích tưởng niệm liệt sĩ biệt động Sài Gòn, với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

 Đề xuất lập Bia di tích tưởng niệm liệt sĩ biệt động Sài Gòn - ảnh 1
Phương án thiết kế Bia di tích tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động Sài Gòn

 Đây cũng là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Mong muốn lập Bia di tích tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM

Liên quan đến nội dung này, ngày 17.4.2024, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị, Sở ngành liên quan trao đổi về đề nghị lập Bia di tích tưởng niệm. Cuộc họp với thành phần tham dự gồm đại diện Sở VHTT TP.HCM, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh thành phố, Ban Thường trực, Ban Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang đề nghị phía Câu lạc bộ đề xuất địa điểm, vị trí đặt Bia tưởng niệm, trong trường hợp lãnh đạo thành phố không chấp thuận cho phép dựng Bia tưởng niệm trong Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cho biết: “Chúng tôi xin đề nghị địa điểm đặt Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM là phù hợp với nguyện vọng của gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây cũng là mong muốn của đại đa số hội viên CLB Truyền thống kháng chiến chúng tôi.

“Thành phố không quên và trân trọng đề xuất của CLB…”

Được biết, ngày 8.4.2024, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị lập Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố. Sau khi nghe Sở LĐ,TB&XH báo cáo đề xuất và ý kiến của các đơn vị dự họp, ông Dương Anh Đức đã có kết luận.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, TP.HCM là địa phương có truyền thống cách mạng hào hùng, luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác giáo dục thế hệ trẻ về phẩm chất đạo đức cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, xem đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao đẹp, thể hiện truyền thống nghĩa tình của thành phố.

Đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng 5 công trình tưởng niệm, trong đó có 3 công trình xây dựng Bia, Đài tưởng niệm đã hoàn thành tại các địa điểm: Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ và Dinh Độc lập, 2 công trình đang trong quá trình thực hiện là công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và công trình tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn.

Ngoài ra, thành phố đang triển khai xây dựng Khu tưởng niệm chiến dịch Mậu Thân với quy mô hơn 2 ha tại huyện Bình Chánh, nhằm trân trọng ghi nhận, tưởng niệm công lao to lớn của các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Theo ông Dương Anh Đức, biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt, cần có hình thức đặc biệt để ghi nhận công lao đóng góp của lực lượng này và đồng thời để giáo dục về truyền thống và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, là một bài học mà tất cả người dân thành phố không được quên về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ…

“Thành phố rất trân trọng đề xuất của CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định về việc xây dựng Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968”, kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và chỉ đạo, để đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, yêu cầu Sở VHTT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn. 

Ý kiến bạn đọc