Thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
VHO - Hôm nay 27.8, tại TP.HCM đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt, là bảo tàng nằm trong di tích.
Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có trụ sở tại 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM. Đây là Bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt, là Bảo tàng nằm trong di tích. Địa điểm này, trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập.
Bảo tàng có bảy bộ sưu tập (BST) hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động, gồm: BST các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; BST những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; BST vũ khí; BST vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; BST dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; BST thiết bị thông tin liên lạc…
Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt và duy nhất ở Bảo tàng là BST hầm bí mật và BST phương tiện đi lại để hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Tại Bảo tàng, lịch sử của Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện lên sống động qua lược đồ được xây dựng trên tấm bản đồ xưa của Sài Gòn - Gia Định. Lần đầu tiên, một hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của Biệt động Sài Gòn - Gia Định được hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân được xây dựng ngay trong lòng địch trong nhiều năm phục vụ cho các trận đánh huyền thoại của Biệt động giữa lòng Sài Gòn, và cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bi hùng.
Cùng với tấm bản đồ, là các màn hình tương tác thông minh để khách tham quan tra cứu hình ảnh và dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Các đại biểu tham quan Bảo tàng
Không chỉ góp phần lưu giữ ký ức lịch sử, với tấm lòng biết ơn vô hạn đối với lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, một Bức Tường Tưởng Niệm được xây dựng trang trọng trong không gian ấm cúng của Bảo tàng để tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.
Để có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ngày hôm nay là một hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng lại kỷ vật. Từ những năm 1980, từ tấm lòng và quyết tâm nung nấu của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai về việc tìm lại và lưu giữ những kỷ vật của đồng đội, của Biệt động Sài Gòn - Gia Định, quá trình tìm kiếm kỷ vật bắt đầu và trải qua nhiều năm dài. Việc tìm kiếm kỷ vật rất khó khăn do tính chất đặc biệt của lực lượng Biệt động, đó là một lực lượng từ nhân dân, hòa vào trong dân. Các chiến sĩ Biệt động mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ lại trở về làm một người dân bình thường. Gia đình ông Trần Văn Lai đã miệt mài tìm kiếm, chuộc lại và phục dựng những căn nhà, những căn hầm, những kỷ vật từng ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Với lòng kiên trì bền bỉ và sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan, ngày 21.6.2023, Sở VHTT TP.HCM thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng chịu sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương nơi hoạt động và thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của TP.HCM, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, là chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang Thành phố.
Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, trong thời gian tới, song song việc tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, Bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trên định hướng Bảo tàng thông minh. Toàn bộ dữ liệu của Bảo tàng sẽ được số hóa để lưu giữ tốt hơn dữ liệu về một lực lượng đặc biệt; bên cạnh đó cũng mở ra cơ hội, cho phép sử dụng các công cụ hiện đại như hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế) để tái hiện lại các sự kiện quan trọng và không gian liên quan đến Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Việc số hóa sẽ lan tỏa và giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu nhiều hơn về di sản lịch sử Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Buổi Lễ Công bố Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định còn có phần Hội với tour Biệt động Sài Gòn. Đoàn diễu hành với các xe ô tô cổ, xe gắn máy cổ theo lộ trình, qua các di tích lịch sử có dấu ấn của Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nhằm giới thiệu và lan tỏa ký ức lịch sử độc đáo của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
THÙY TRANG