Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định

VHO - Sáng 15.2 (nhằm mùng 6 Tết), Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM, Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và giỗ chung các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo cựu chiến binh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định năm xưa và gia đình các liệt sĩ đã về dự.

Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Anh 1

Các đại biểu dự lễ giỗ tưởng niệm các liệt sĩ Sài Gòn - Gia Định

Hằng năm, cứ đến mùng 6 Tết, con cháu của nhiều thế hệ Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã cùng tề tựu về ngôi nhà chung Biệt động Sài Gòn - Gia Định để thành kính dâng hương, dâng hoa và làm giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ biệt động, tưởng nhớ đến tất cả chiến sĩ ngã xuống trong các trận đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ ngụy tại Sài Gòn năm 1968 như: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Khám Chí Hòa, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...

Giỗ chung của các anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định là ước nguyện của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn và các gia đình thân nhân, như một sự nhắc nhở các đồng đội còn sống và các thế hệ con cháu không được quên những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Đây là năm đầu tiên, lễ giỗ được tổ chức tại số nhà 499/20 Cách mạng Tháng Tám, Quận 10, TP.HCM, trước đây là Garage xe phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Anh 2

Các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo cựu chiến binh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định năm xưa và gia đình các liệt sĩ đã về dự Lễ giỗ

PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định nhấn mạnh: Lịch sử Biệt động Thành là bản anh hùng ca, mỗi trận đánh là thiên sử cho muôn đời sau không ai có thể quên được. Kể từ sau giải phóng, Đảng, Nhà nước và quân đội đã có nhiều hoạt động tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn. Cùng với đó, các thế hệ chỉ huy lực lượng Biệt động và các gia đình, con cháu các chiến sĩ năm xưa đã tích cực thu thập tài liệu, hiện vật xây dựng bảo tàng, đó là biểu tượng ngời sáng của tình nghĩa, trách nhiệm đồng đội. 

Lực lượng Biệt động Sài Gòn là lực lượng tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, ra đời từ chủ trương đúng đắn, đầy sáng tạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Chiến công của Biệt động là chiến công của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của biết bao thế hệ chiến sĩ Biệt động trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. 

PGS.TS Phan Xuân Biên mong rằng, các thế hệ sau sẽ tiếp tục gìn giữ các di tích của lực lượng Biệt động, phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác chính sách, phát huy giá trị lịch sử của lực lượng Biệt động, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, về lịch sử bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.

KHÁNH HÀ

Ý kiến bạn đọc