Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hậu Covid-19

VHO- Tạp chí The Times of India – nhật báo tiếng Anh tại Ấn Độ đã có bài viết đánh giá Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng. Tác giả của bài báo, ông Rudroneel Ghosh đã đưa ra những phân tích cụ thể để minh chứng, Việt Nam là quốc gia hội tụ đầy đủ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hậu Covid-19 - Anh 1

 Việt Nam đang đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa Ảnh: BROO KING

Không thể phủ nhận rằng, đại dịch Covid-19 là một thách thức lớn đối với các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một phép thử về khả năng hồi phục, hiệu quả quản lý và quan trọng nhất là khả năng tổ chức của từng đất nước. Và những quốc gia thể hiện khả năng mạnh mẽ trên mặt trận kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 ắt hẳn sẽ có cơ hội phát triển một cách bùng nổ hơn trong tương lai.

Xét về khía cạnh này, Việt Nam đã và đang được chú ý rất nhiều trên toàn thế giới. Trong một bài viết khác, nhà báo Rudroneel Ghosh đề cập rằng Việt Nam đã kiểm soát đại dịch Covid-19 bằng một ý chí sắt đá. Đất nước chúng ta đã huy động tất cả các nguồn lực và tuyên bố việc chống lại bệnh dịch cũng giống như chiến đấu với kẻ thù, thực hiện chiến dịch thông tin công cộng, kiểm dịch và cách ly trong phạm vi rộng lớn trên khắp đất nước.

Thành công của Việt Nam phần nào được thể hiện thông qua kết quả chống dịch, Việt Nam chỉ có hơn 300 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 và không có trường hợp tử vong liên quan đến đại dịch. Nhưng có một điều thú vị hơn nữa đó chính là hiện nay, thế giới đang hướng về Việt Nam từ góc độ kinh tế. Khi các doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách di dời khỏi Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Việt Nam nổi lên như một sự lựa chọn hàng đầu trong danh sách các nước có tiềm năng để đầu tư.

Việt Nam đang trong quá trình nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế và khởi động lại du lịch nội địa. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc kết nối lại chuyến bay quốc tế đến các khu vực an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 như Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Cùng với đó, Việt Nam đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,7%. Trong khi đó, dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB) là 4,9%. Những con số này nhỉnh hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tác giả của bài viết cũng thừa nhận rằng, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách kinh tế và quản lý đất nước. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam đẩy lùi Covid-19 một cách hiệu quả. “Cơn bão” kinh tế này về cơ bản đã được dập tắt và Việt Nam đang trên đà hồi phục cùng với những lợi thế cần được chúng ta tận dụng một cách tối đa trong thời kỳ hậu Covid-19. Việc xử lý bệnh dịch hiệu quả, khả năng tổ chức được thể hiện tốt cùng với những chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ tạo được sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia.

Đài Truyền hình NewsAsia nói rằng cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi các quốc gia phải có những giải pháp nhất định và chính điều này sẽ giúp đất nước vận hành hiệu quả hơn. Trong số đó phải kể đến sự phát triển của thương mại điện tử, ứng dụng đào tạo trực tuyến, các cách thức chuẩn đoán và điều trị từ xa và trình độ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung cũng được nâng cao. Covid-19 đích thực là một cuộc thách thức đối với tất cả các hệ thống của Việt Nam. Và nước ta đã vượt qua những khó khăn từ đại dịch một cách xuất sắc.

Tờ New Straits Times tại Malaysia phân tích rằng, nhờ có đường bờ biển trải dài và sức gió mạnh, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong việc khai thác năng lượng gió ven biển. Về nông nghiệp, BNN Bloomberg đưa tin, Việt Nam cung cấp sản lượng gạo tăng 42% trong tháng 5, đây là một mức kỷ lục trong suốt 11 năm qua. Geopolitical Monitor của Canada có bài viết khá thú vị về việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số giúp người dân ứng phó với sự biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đài Sputnik của Nga cũng đã tổng hợp các bài viết trên các báo chí, truyền thông nhiều nước, ca ngợi về thành công của Việt Nam trong công cuộc kiểm soát đại dịch và tiềm năng hồi phục kinh tế mạnh mẽ.

Viện Nghiên cứu Brooking của Mỹ đưa ra rất nhiều lời gợi ý trước sự thành công của Việt Nam, nên thay đổi chiến lược phát triển như thế nào để không những phát triển nhanh hơn mà còn mang lại những thành tựu to lớn hơn nữa. Cần phải quản lý đất nước bằng cách hiệu quả như thế nào để các doanh nghiệp năng động hơn, lực lượng công nhân lành nghề hơn, môi trường tự nhiên vẫn được duy trì vững vàng trước biến đổi khí hậu và hoạt động của con người. 

BÌNH PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc