Vàng nhẫn leo thang, vàng miếng đi ngang

THẾ TUẤN

VHO - Tuần qua, thị trường vàng trong nước tiếp tục sôi động với nhiều diễn biến. Rõ nhất và bất ngờ nhất là giá vàng nhẫn đã bám đuổi và có lúc qua mặt cả giá vàng miếng SJC.

Vàng nhẫn leo thang, vàng miếng đi ngang - ảnh 1

 Giá vàng nhẫn đã ngang bằng với vàng miếng

 Kể từ ngày 3.6, khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn giá thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thì chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới giảm mạnh. Đồng thời, giá vàng nhẫn “đeo bám” SJC.

Giá vàng nhẫn đang “áp sát” vàng miếng

Từ đầu tháng 6.2024, giá vàng nhẫn đã rục rịch tăng. Tuy nhiên, tới ngày 6.7, giá vàng nhẫn SJC tăng lên mức mua vào 74,6 triệu đồng/lượng, bán ra 76,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán 1,6 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng miếng SJC vẫn giữ nguyên (74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra).

Sang ngày 7.7, vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc 74,98 - 76,98 triệu đồng/ lượng, tuy nhiên giá vàng nhẫn trơn bán ra đã qua mặt giá vàng miếng SJC là khi lên tới 77 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng nhẫn liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh cùng nhịp với diễn biến của giá vàng thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, giá bán ra vàng nhẫn trơn đã chính thức ngang bằng với giá vàng SJC là gần 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào vàng nhẫn ở một số thương hiệu đã vượt giá mua vàng SJC.

 Biến động giá vàng chỉ trong ngắn hạn chứ không phải luôn luôn, nên người mua nên cân nhắc. Giá mua - bán sẽ được niêm yết công khai, trực tiếp trên website của SJC, căn cứ theo giá mà Ngân hàng Nhà nước công bố cộng thêm biên độ, còn giá mua vào thì phụ thuộc vào cung cầu thị trường.

(Bà LÊ THÚY HẰNG, Tổng Giám đốc SJC)

Cụ thể, trong ngày 7.7, giá vàng nhẫn trơn 24k (9999) phổ biến 76,5 - 77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). DOJI niêm yết giá vàng nhẫn 9999 tại thị trường Hà Nội và TP.HCM ở mức 75,65 và 76,95 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600.000 đồng ở cả chiều mua và bán. Giá nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu được điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 75,38 triệu đồng/lượng mua vào - 76,68 triệu đồng/lượng bán ra. Còn tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 74,6-76,3 triệu đồng/lượng.

Nhìn chung, nhiều năm qua giá vàng nhẫn luôn thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC. Lùi lại một tháng trước, vào ngày 6.6 khi giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn 1,88 triệu đồng/lượng, đã được coi là thành công. Tuy nhiên, do giá vàng miếng liên tục “bốc hơi” nên dù giá vàng nhẫn không tăng nhưng “hai loại vàng” đã về sát với nhau. Đến ngày 21.6, giá vàng nhẫn mua vào còn kém giá vàng miếng gần 1 triệu đồng/lượng đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng tính đến ngày 7.7, còn bất ngờ hơn khi giá vàng nhẫn SJC đã ngang bằng, nếu không muốn nói là còn nhỉnh hơn giá vàng miếng SJC.

Có nên tích trữ?

Trong khi giá vàng miếng (SJC) giảm (nếu so với thời điểm ngày 11.5 ở mốc kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng, thì nay ở mức khoảng gần 77 triệu đồng/lượng), nhiều người băn khoăn không biết có nên mua vàng hay không. Với sự chao đảo giá rất mạnh thì tích trữ vàng có khi còn bị nghi ngờ về sự đầu tư an toàn. Theo giới chuyên gia tài chính - ngân hàng, thì vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn cho dù giá có biến động trong thời gian ngắn. Tích trữ vàng vì vậy đòi hỏi phải giữ vàng trong một khoảng thời gian dài nhất định, để có lợi nhuận mong muốn. Vì vậy, nếu đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” sẽ khó thành công, nhiều khi còn “gặp hạn”.

Vậy khi vàng nhẫn có giá thì có nên mua vào? Vàng nhẫn và vàng miếng là hai loại vàng phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, chúng có những đặc điểm khác nhau về giá, chất lượng, tính thanh khoản và thuế. Với thị trường thế giới, giá vàng nhẫn thường cao hơn vàng miếng do có chi phí gia công, thiết kế. Tuy nhiên, về chất lượng thường có hàm lượng vàng thấp hơn do pha thêm kim loại khác để tăng độ bền. Do đó, tính thanh khoản vàng nhẫn một phần còn phụ thuộc vào mẫu mã, xu hướng, kích cỡ. Trong khi vàng miếng dễ bán do không phụ thuộc vào mẫu mã, xu hướng, kích cỡ.

Cuối tuần qua, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.389,6 USD/ounce, tăng 62,6 USD trong vòng một tuần. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, 1 lượng vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đã ở mức cao hơn thế giới gần 3,7 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn gần 5,5 triệu đồng của một tuần trước đó. Hồi đầu tháng 6.2024, những dự đoán cho rằng nếu vàng miếng SJC ở thị trường trong nước ở mức 80 triệu đồng/lượng và chênh với thế giới 5 triệu đồng/lượng là hợp lý. Thì nay, dự báo đó đã không chính xác vì cho dù giá vàng thế giới lên nhưng giá vàng trong nước đi xuống.

Qua phân tích trên cho thấy hai điều. Thứ nhất, vì nhiều nguyên nhân, trước đó giá vàng trong nước quá chênh so với thế giới. Thứ hai, nếu như việc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước nhằm bình ổn giá vàng thất bại (sau 9 phiên tổ chức) thì việc bán vàng thông qua một số ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã thành công.