Thị trường vàng chưa hết rung lắc: Đầu tư sai sẽ khó có cơ hội…

THẾ TUẤN

VHO - Ngày 23.4, với phiên đấu giá vàng đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, giá vàng trong nước quanh mốc 82 triệu đồng/lượng; cao hơn giá vàng thế giới khoảng 10 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tới ngày 8.5 vừa qua, qua 5 lần gọi thầu với 2 lần đấu giá thành công, giá vàng trong nước lại vọt cao hơn giá vàng thế giới đến 18,5 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng chưa hết rung lắc: Đầu tư sai sẽ khó có cơ hội… - ảnh 1

 Những ngày qua, giá vàng trong nước liên tục “nhảy muá”. Ảnh: N.TUẤN

Trước những diễn biến phức tạp, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Giá vàng vẫn diễn biến khó lường

Ngày 12.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc với UBND TP.HCM triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng. Tại buổi làm việc, ba vấn đề chính nêu ra, bao gồm: Thứ nhất, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Thứ hai, lãnh đạo NHNN và UBND TP.HCM thống nhất sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá. Thứ ba, NHNN khuyến nghị người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Trong tuần qua, giá vàng SJC đã tăng hơn 6 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng tới 18 triệu đồng/lượng. Đây là kỷ lục tăng giá vàng từ trước tới nay ở thị trường trong nước. Ngày 10.5, vàng SJC được cho là đã tới đỉnh khi giao dịch ở mức 92,2 triệu đồng/lượng. Vào lúc 11h trưa 10.5, giá vàng SJC mua vào - bán ra là 89,7 - 92 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/ lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên ngày 9.5. Tuy nhiên, đến 14h09’ cùng ngày, giá ở mức giá 92,2 triệu đồng ở chiều bán ra.

Như vậy, chỉ trong 3 giờ ngày 10.5, các doanh nghiệp vàng đã 2 lần điều chỉnh giá tăng. Lúc 12h ngày 11.5, tại TP.HCM, Công ty SJC niêm yết ở vàng SJC mức 88,8 triệu đồng/lượng mua vào và 91,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,3 triệu đồng chiều mua và 1,1 triệu đồng chiều bán so với chốt phiên chiều ngày 10.5. Sau khi “neo” ở giá đỉnh vào buổi sáng, tới buổi trưa vàng SJC quay đầu giảm gần 2 triệu đồng/lượng, thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới từ gần 20 triệu đồng xuống còn 18,8 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 13.5, giá vàng rớt mạnh, sau đó bật tăng trở lại. 10h30, giá vàng SJC “quay xe”: Công ty SJC nâng giá niêm yết lên 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 90 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với thời điểm mở cửa. Biên độ chênh lệch giá mua, bán tiếp tục được các doanh nghiệp giữ ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC vẫn “neo” cao và khó lường. Đâu sẽ là đỉnh? Liệu nhà đầu tư “lướt sóng” đã bắt đáy được chưa?

Nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc, vì với đà tăng vừa qua, nếu không có biện pháp hãm lại thì giá vàng leo lên 95 triệu đồng/lượng sẽ không còn xa. Những dự báo tuy là võ đoán cũng cho thấy tâm lý thị trường vàng trong nước vẫn rung lắc dữ dội. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy, càng gần “đỉnh sóng” giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Trong khi đó, để đề phòng thiệt hại, doanh nghiệp vàng sẽ đưa ra khoảng cách mua vào, bán ra lớn. Có nghĩa là lợi thế luôn thuộc về “nhà cái”.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, qua 5 lần gọi thầu, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng có vẻ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Điều này cho thấy có sự không tương xứng giữa cung và cầu, cũng như có thể phản ánh bất cập trong cơ chế tổ chức đấu thầu. Ngoài việc thay đổi các yêu cầu trong đấu thầu vàng, nhiều ý kiến cho rằng muốn ổn định thị trường vàng thì phải sửa đổi Nghị định 24/2012 của Chính phủ; bỏ việc độc quyền kinh doanh vàng miếng, thay vào đó cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng, đưa nguồn cung vàng tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu nguồn cung không tăng, giá vàng SJC có thể sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới.

4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%

Một điều dễ nhận thấy, kể từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm tạm dừng, giá vàng trong nước càng ngày càng tăng. Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho hay, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12.2023. Giá vàng đã tăng 28,62% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.

Tuy việc đấu thầu vàng chưa giúp thị trường vàng trong nước giảm nhiệt, nhưng nói như chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, NHNN vẫn cần tổ chức nhiều phiên đấu thầu. Những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào trong thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như thời gian qua. Ông Hiếu cũng cho rằng, Nhà nước nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường.

Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), quý I.2024, Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng trung ương toàn cầu tại WGC cho biết thêm, nhu cầu vàng trang sức cũng bị chi phối mạnh do giá vàng miếng tăng cao. Theo ông Fan, đồng nội tệ mất giá ở các thị trường ASEAN đã thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như một kênh bảo toàn tài sản. Tại thời điểm này, theo bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, bất chấp những trở ngại khi giá USD cao và lãi suất ở các ngân hàng trung ương đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Giá vàng tác động ra sao đến nền kinh tế và chọn kênh nào để đầu tư?

Trước sự leo dốc cùng những diễn biến thất thường của thị trường vàng trong nước, xuất hiện tâm lý lo ngại giá vàng cao sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế, kể cả kéo giá những mặt hàng thiết yếu gia tăng.

Tuy nhiên, nhiều phân tích đến từ giới chuyên gia kinh tế cho rằng không hẳn đã như vậy. Vào những năm 1990, hầu hết giá bất động sản trên các quảng cáo đều được niêm yết bằng vàng. Đến đầu những năm 2000, xu hướng này bắt đầu giảm và ngày nay dường như không thể tìm thấy tin tức nào cho thấy giá bất động sản ở đâu được niêm yết bằng vàng.

Theo hai tác giả Huỳnh Thế Du và Nguyễn Xuân Thành, không có bằng chứng cho thấy vàng tác động tiêu cực đến ổn định tỷ giá tiền đồng và cán cân thanh toán. Vàng cũng không gây ra lạm phát và bất ổn vĩ mô. Hiện tại chưa có bằng chứng nào về tác động tiêu cực của việc tiêu thụ vàng tới dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái của Việt Nam, ngoài vai trò của hàng hóa nhập khẩu. Thực tế cũng cho thấy không có mối liên hệ nào giữa biến động giá vàng và lạm phát ở Việt Nam trong ba thập niên qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư chọn vàng hay bất động sản? Trước đây, khi bất động sản ảm đạm thì vàng sôi động. Nhưng đến nay giá vàng đã xô đổ mọi kỷ lục và lợi nhuận có được từ bất động sản cũng rất lớn (tuy rằng không nhiều giao dịch thành công), thì việc lựa chọn đầu tư là khó khăn.

Nhiều phân tích cho rằng, nếu như phải đợi đến những tháng cuối năm thị trường chứng khoán cũng như bất động sản mới thực sự lấy lại sức hấp dẫn, thì ở thời điểm này đầu tư vào vàng có thể là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, nói như TS Nguyễn Trí Hiếu, về bản chất vàng là kênh trú ẩn, vì thế không nên “lướt sóng” mà cần đầu tư cẩn thận. Với bất động sản, nếu đúng phân khúc vẫn nên “xuống tiền”. “Nhà đầu tư cần chú ý đến 3 mục tiêu, là bảo toàn vốn, tỷ lệ sinh lời phù hợp và có tính thanh khoản”, ông Hiếu nói.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, vàng và bất động sản vốn là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Nên không lạ gì khi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường giá vàng và bất động sản vẫn có thể tăng. Nếu đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” kể cả với vàng hay bất động sản đều cần phải cân nhắc rủi ro. Còn nếu đầu tư dài hạn, coi vàng và bất động sản là hai kênh trú ẩn cho dòng tài chính thì đây vẫn là những kênh an toàn. Vấn đề còn lại là tỉnh táo nhận định thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Không nên “chạy theo phong trào” vì cả vàng lẫn bất động sản đều là dòng tài chính lớn, đầu tư sai sẽ khó có cơ hội “sống sót”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc