Thanh Hóa “siết” 90 mỏ khoáng sản: Trúng rồi, sao vẫn chưa khai thác?

NGUYỄN LINH

VHO - Sau khi đấu giá thành công 90 mỏ khoáng sản, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang loay hoay với hàng loạt vướng mắc khiến nhiều mỏ chưa thể đưa vào khai thác. Trước tình trạng này, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản “thúc” các sở, ngành và doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ khai thác để cung ứng vật liệu xây dựng cho hàng loạt dự án đang “khát” nguồn cung.

Dữ liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho thấy, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 90 mỏ khoáng sản đã được đấu giá thành công, được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai trên thực tế vẫn chậm so với yêu cầu phát triển hạ tầng, dẫn đến nguy cơ lãng phí tài nguyên và tạo áp lực lên thị trường vật liệu xây dựng.

Cụ thể, hiện mới có 21 mỏ được cấp Giấy phép khai thác, 27 mỏ đã được phê duyệt trữ lượng, trong khi còn lại tới 42 mỏ đang “mắc kẹt” trong vòng luẩn quẩn của các thủ tục thăm dò, cấp phép thăm dò.

Thanh Hóa “siết” 90 mỏ khoáng sản: Trúng rồi, sao vẫn chưa khai thác? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Thanh Hoá, nguyên nhân chính khiến các mỏ chưa thể khai thác là do nhiều khu vực chưa có trong kế hoạch sử dụng đất, bị chồng lấn với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, hoặc chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thêm vào đó, không ít doanh nghiệp còn vướng mắc trong thỏa thuận mặt bằng, đưa thiết bị máy móc lên hiện trường, hoặc đang “nghe ngóng” các quy định mới của Luật Địa chất và Khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025).

Để tháo gỡ tình trạng “trúng mà chưa khai thác”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: Nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, sẽ bị xem xét hủy bỏ quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền khai thác.

Cụ thể, với những đơn vị đã được cấp Giấy phép khai thác nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, tỉnh yêu cầu phải phối hợp khẩn trương với UBND cấp xã, phường và Sở Nông nghiệp & Môi trường để hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất và sớm đưa mỏ vào hoạt động.

Với những doanh nghiệp đã được phê duyệt trữ lượng, cần lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác, tiến tới xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với các mỏ đang trong giai đoạn thăm dò, tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, áp dụng công nghệ hiện đại, đánh giá trung thực, đầy đủ trữ lượng, chất lượng tài nguyên, và báo cáo kịp thời lên cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan: Sở Tài chính, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN đẩy nhanh quá trình thẩm định hồ sơ, trình chủ trương đầu tư; UBND các xã, phường có mỏ trúng đấu giá phải chủ động rà soát quy hoạch đất đai, nguồn gốc đất, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp.

Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội đá được đề nghị phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình từ thăm dò, xin phép, đến khai thác.

Văn bản cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là đầu mối theo dõi, giám sát, đôn đốc toàn bộ quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các vấn đề vượt thẩm quyền để có hướng xử lý phù hợp.

Trong bối cảnh thị trường xây dựng đang “nóng” trở lại với hàng loạt dự án giao thông, dân sinh, khu công nghiệp được đẩy mạnh khởi công, nguồn cung vật liệu như đất, đá, cát... trở nên đặc biệt cấp thiết.

Việc đẩy nhanh khai thác các mỏ đã trúng đấu giá không chỉ giúp giảm áp lực cung ứng vật liệu, mà còn góp phần giải phóng nguồn lực tài nguyên, tăng thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.