Đầu tư vào đâu để an toàn và sinh lợi?

THẾ TUẤN

VHO - Tại thời điểm này, lãi suất huy động của ngân hàng tăng, giá nhà đất tăng, giá vàng chưa biết khi nào là đỉnh. Vậy, đầu tư vào đâu sẽ an toàn và hiệu quả?

 Đầu tư vào đâu để an toàn và sinh lợi? - ảnh 1

 Đầu tư vào chứng khoán có phải là lợi thế? Ảnh: TRẦN TRUNG

 Suốt hơn một năm, lãi suất huy động thấp, vì thế dòng tiền gửi vào ngân hàng hạn chế. Báo cáo tài chính quý I.2024 cho thấy tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 5 tới nay lãi suất huy động đã có xu hướng đảo chiều đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Tính tới ngày 27.5, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Có ngân hàng tăng lãi suất 2-3 lần trong vòng một tháng. Với, HDBank tăng lãi suất các kỳ hạn với mức tăng 0,3%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân kỳ hạn 1-18 tháng. Như vậy, ở kênh tiền gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng của ngân hàng này tăng lên mức 3,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,9%/ năm, còn kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,3%/năm. Đáng chú ý, kỳ hạn 15 tháng lãi suất lên mức 6,1%/năm còn kỳ hạn 18 tháng tăng lên 6,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất gần như cao nhất trên thị trường hiện nay. Việc đó đã kéo theo các ngân hàng khác vào cuộc, trong đó có VIB tăng lãi suất huy động lần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 5. Lãi suất huy động tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng của VIB đã tăng 0,3%, lên 2,8%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/ năm, lên mức 3,1%/năm.

Techcombank đã áp dụng mức lãi suất huy động cao cho kỳ hạn 12-36 tháng là 4,7%/năm. Tương tự, MB là 4,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12-15 tháng. Trong đợt đua tăng lãi suất huy động này, OceanBank được cho là “mạnh tay” nhất với 0,9%/ năm. Việc lãi suất huy động tăng ở các ngân hàng cổ phần tư nhân được coi là tín hiệu hút tiền gửi. Trước đó, nhiều người đã rút tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào những kênh đầu tư khác, trong đó có vàng. Vậy, kênh đầu tư vào vàng thì sao? Cho dù vẫn được cho là kênh đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro nhưng tới nay sức hút vẫn lớn. Giữa năm 2023, giá vàng SJC quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Sau đó liên tục tăng, lần lượt xô đổ mọi kỷ lục. Tới 15.5, giá vàng SJC leo lên mốc 92 triệu đồng/lượng; có nghĩa là tăng hơn 37% trong vòng một năm (trong quý I/2024 đã tăng 23%); cao hơn hẳn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm của bất cứ ngân hàng nào.

Theo nhóm chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng có thể lên tới 1%/năm so với hiện nay. Tuy vậy, cũng khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất “bền bỉ” vì dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm. Bất động sản nhà ở dù nhiều biến động và đòi hỏi nguồn tiền lớn nhưng tới nay vẫn là kênh đầu tư khá thu hút. Theo Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng (OneHousing), trong quý I.2024 thị trường bất động sản tại Hà Nội có tới 22.000 giao dịch thành công. Trong đó, 13.000 giao dịch giá trị dưới 5 tỉ đồng, chiếm 44%. Riêng với giao dịch chung cư, có khoảng 12.000 giao dịch và giao dịch chuyển nhượng. Tổng lượng giao dịch nhà trong ngõ đạt gần 9.000 căn (tương đương 92%), còn lại 8% là giao dịch nhà mặt phố.

Lý giải nguyên nhân bất động sản dưới 5 tỉ đồng “hút” khách, OneHousing cho rằng đây là phân khúc giá dành cho các khách hàng có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư hướng tới suất đầu tư “vừa miếng”. OneHousing cũng cho rằng, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc chuẩn bị mua nhà trong khoảng một năm tới, với mức giá từ 2,5 đến dưới 5 tỉ đồng. Nói như ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing thì vàng tăng giá mạnh, chứng khoán lại chứa nhiều rủi ro nên nhiều người có thể sẽ đầu tư vào bất động sản.

Thực tế cho thấy, ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có được doanh thu khả quan. Theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm; tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản đăng ký hoạt động mới đạt con số 395 trong 4 tháng đầu năm; tuy giảm 6,6% về số doanh nghiệp được cấp phép song tăng gần 150% về số vốn đăng ký.

Cụ thể hơn, 4 tháng đầu năm nay Vinhomes đạt 8.211 tỉ đồng (lợi nhuận 904 tỉ đồng); Phát Đạt 162 tỉ đồng (lãi 53 tỉ đồng) và Khang Điền 334 tỉ đồng (lãi 64 tỉ đồng). Trở lại với cuộc đua tăng lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân cho thấy, dù vàng và bất động sản vẫn đầy hấp dẫn nhưng gửi tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn của nhiều người vì đây là kênh đầu tư không sợ lỗ. Gửi tiết kiệm thường được người trung niên, người nghỉ hưu lựa chọn vì sự an toàn nên đem tiền tới ngân hàng lấy lãi hằng tháng. Mặc dù việc nhóm các tài sản có mức độ đầu cơ cao (như vàng) tăng trưởng rất nóng khiến cho tiền gửi của các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới, đặc biệt là tiền gửi có kỳ hạn dài nhưng tiền nhàn rỗi cũng vẫn sẽ tìm đến ngân hàng.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu thì dù lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhưng mức tăng chưa đủ hấp dẫn để hút dòng tiền. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất nhà đầu tư có thể nhận được từ kênh đầu tư vào vàng, bất động sản là khá rõ thì việc điều chỉnh lãi suất huy động của cả hệ thống ngân hàng là cần thiết. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng. Vì thế rất cần đến sự điều chỉnh mang tính tổng thể.

Đặc biệt, với người dân, lúc này đầu tư vào lĩnh vực nào, “xuống tiền” vào đâu để vừa an toàn lại vừa sinh lợi cần đến sự tinh tường và quan trọng là phải biết “chớp thời cơ”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc