Phải chăng vàng đã qua cơn sốt?
VHO - Đã gần một tháng 4 ngân hàng thương mại lớn và Công ty SJC chính thức bán vàng miếng, từ đó giá vàng bước vào nhịp giảm. Giá vàng SJC ngày hôm qua 30.6 mua vào 74,98 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Như vậy, kể từ ngày 3.6 lần đầu tiên ngân hàng bán vàng miếng SJC thì giá tiếp tục giảm: Thời điểm đó là 79 triệu đồng/lượng mua vào và chiều bán ra 81 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đã thu hẹp
Trong vòng một tháng qua, thị trường vàng trong nước ghi nhận sự biến động mạnh mẽ, liên tiếp nhiều cột mốc giá bị phá vỡ theo biểu đồ đi xuống. Vào thời điểm 10.5.2024, giá vàng miếng SJC đã “phá đỉnh” mọi thời đại với mốc 92,4 triệu đồng/lượng. Để hạ nhiệt “cơn sốt” giá vàng, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng và sau đó là bán vàng miếng thông qua một số ngân hàng thương mại nhà nước.
Nếu như có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 17-20 triệu VND/lượng thì tới nay xuống ở mức 4-5 triệu VND/lượng. Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt của NHNN đã mang lại hiệu quả. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Tuy nhiên, thách thức cũng xuất hiện khi mà nhiều ngày liền từng dòng người xếp hàng trước các điểm bán vàng bình ổn của ngân hàng. Nguy cơ “rửa tiền” thông qua việc mua vàng cũng xuất hiện. Các điểm bán vàng bình ổn đã phải giới hạn lượt đăng ký mua vàng miếng là một lượng mỗi người, so với việc không có hạn mức trong những ngày đầu mở bán.
Đồng thời, thay vì bán trực tiếp, cả 5 đơn vị bán vàng bình ổn đều đã chuyển sang hình thức bán vàng trực tuyến. Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng và bán vàng cho người dân, tiếp tục đưa việc bán vàng lên app (ứng dụng), thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo sự minh bạch và tiện lợi.
Nói như Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú thì lần can thiệp này của NHNN rất hiệu quả. Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì các biện pháp chính sách mới nhất của NHNN đã giúp bình ổn thị trường vàng, giúp thu hẹp mạnh mẽ chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước.
Giá vàng trong ngắn hạn và triển vọng dài hạn
Giá vàng trong nước luôn tham chiếu giá vàng thế giới. Ngày 30.6, giá vàng thế giới ở mức 2.325,19 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 70,461 triệu đồng/ lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy giá vàng thế giới thiết lập mức tăng gần 5% trong quý thứ hai và tăng 14% trong nửa đầu năm khi các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của các ngân hàng trung ương lớn đã nâng cao sức hấp dẫn của việc nắm giữ tài sản vàng thỏi không sinh lời. Theo chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank thì triển vọng dài hạn của giá vàng vẫn là tăng, nhất là vào cuối năm. Hiện các nhà đầu tư không vội chốt lời. “Khi các nhà đầu tư không bán ra số lượng lớn thì giá vàng sẽ không bị xuyên thủng và cũng khó xuất hiện việc bán tháo”, ông Hansen nhận định trong một báo cáo của Saxo Bank.
Ngân hàng sẽ còn bán vàng đến bao giờ?
Thực tế cho thấy, gần một tháng qua, khi NHNN thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng ra thị trường, thì giá vàng đi xuống, chênh lệch với giá thế giới rút ngắn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, kể cả khi NHNN không thiếu vàng nhưng kéo dài việc bán vàng như vừa qua cũng chỉ nên áp dụng như một giải pháp tình thế. Thứ nhất, vàng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị VND và tác động mạnh đến lạm phát, trong trường hợp rủi ro khi giá vàng thế giới tăng và các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vào. Thứ hai, khác với điểm tiêu dùng cuối cùng của các loại hàng hóa khác, mặc dù vàng có tính thanh khoản cao nhưng đến khâu tiêu dùng cuối cùng lại là cất giữ. Vì thế, nguồn lực này không góp mặt trong quá trình chu chuyển vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng lại tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), biện pháp tăng cung (ngân hàng bán vàng bình ổn) nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân. Việc không đầu tư vào sản xuất, không chuyển vàng thành tiền sẽ gây lãng phí rất lớn; cho dù mặt tích cực là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới thì cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta không khuyến khích giữ vàng miếng nhưng người dân có nhu cầu vàng trang sức thì lại khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu là không để vàng trở thành một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thay thế VND. Đó là mục tiêu tối thượng của nền kinh tế, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tới đây, câu hỏi đặt ra là đã đến lúc “xuống tiền” mua vàng như một phương tiện đầu tư? Điều đó tùy thuộc vào sự chọn lựa và quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, một lần nữa xin được nhắc lại ý kiến của vị chuyên gia Shaokai Fan của WGC là dù vàng là tài sản lưu trữ an toàn, nhưng hiện tại không nên chỉ tập trung vào kim loại quý này vì có thể có kênh đầu tư ngắn hạn khác hiệu quả hơn.