Thành công từ mô hình sản xuất đũa gỗ

NHƯ ĐỒNG

VHO - Nhờ giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng với việc đẩy mạnh phát triển thị trường, cơ sở sản xuất đũa gỗ của ông Nguyễn Hữu Hai (65 tuổi) ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.

Thành công từ mô hình sản xuất đũa gỗ - ảnh 1
Ông Nguyễn Hữu Hai (trái) giới thiệu các loại đũa

 Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi, ông Nguyễn Hữu Hai chia sẻ, tính đến nay ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất đũa gỗ. Trước kia, ông “bám trụ” ở miền Nam, từ năm 2016, gia đình ông về quê và đầu tư mở xưởng tại nhà.

Theo ông Hai, mặc dù các loại đũa sản xuất từ vật liệu nhựa, hợp kim nhôm, tre... được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng những đôi đũa làm bằng gỗ, thốt nốt, thân dừa… vẫn xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình bởi sự bền, đẹp, thân thiện với môi trường. “Cơ sở tôi nhập nguyên liệu, rồi qua 4 công đoạn là làm phôi đũa, rửa - phơi, làm bóng, đóng gói mới ra được thành phẩm. Bình quân xưởng sản xuất ra 20.000 - 30.000 đôi đũa/ngày”, ông Hai cho biết.

Thành công từ mô hình sản xuất đũa gỗ - ảnh 2
Sản xuất đũa có lợi thế là đầu tư máy móc, thiết bị không quá nhiều tiền, phù hợp với kinh tế hộ gia đình

Sản xuất đũa có lợi thế là đầu tư máy móc, thiết bị không quá đắt tiền, phù hợp với khả năng kinh tế hộ gia đình. Sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định tại các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai, TP Hà Nội, TP.HCM. Giá đũa từ 5.500 - 14.000 đồng/1 chục tùy loại, cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. “Thị trường ngày càng khó tính, nếu muốn sống được bằng nghề thì hàng hóa phải đạt chất lượng, vì thế chúng tôi luôn đặt uy tín lên hàng đầu. Thà thu nhập ít mà luôn có việc ổn định, chứ mất uy tín là mất tất cả”, ông Hai chia sẻ.

Ông Hai tâm niệm, đời sống bà con mình còn nhiều khó khăn, bởi vậy ông luôn tự nhủ phải cố gắng để vừa giúp mình vừa giúp cho bà con có công việc ổn định. Với số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành, ông đã vượt qua khó khăn, nắm bắt xu hướng phát triển và vươn lên thoát nghèo bằng mô hình kinh tế hộ gia đình.

Thành công từ mô hình sản xuất đũa gỗ - ảnh 3
Giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động ở xã Hành Phước (trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Huỳnh, 80 tuổi, đã gắn bó với xưởng đũa gần 10 năm nay)

Hiện cơ sở sản xuất đũa của ông Hai giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, bình quân mỗi tháng thu nhập trên 5 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh (80 tuổi) phấn khởi kể: “Tôi gắn bó với nơi đây từ năm 2016, công việc phù hợp với người lớn tuổi, thu nhập đủ chi tiêu, không phải phiền đến con cháu”.

“Lúc trước gia đình tôi chỉ làm nông, không đủ trang trải cuộc sống nói chi đến chuyện lo cho các cháu học hành, nhờ có công việc ở xưởng đũa của ông Hai, mỗi tháng tôi cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng, ở quê mà có số tiền vầy là quý lắm”, chị Diễm, công nhân xưởng đũa chia sẻ.

Thành công từ mô hình sản xuất đũa gỗ - ảnh 4
Đũa làm bằng gỗ, thân thốt nốt, thân dừa được thị trường ưa chuộng

Theo ông Lê Viết Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Phước, cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Hữu Hai đã giúp kinh tế gia đình ông trở nên khấm khá, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến nay ông Hai đã được hỗ trợ 150 triệu đồng để đầu tư, phát triển sản xuất. “Địa phương luôn đồng hành cùng các hộ sản xuất khi họ có nhu cầu. Mô hình sản xuất đũa của ông Hai đã thành công trong việc giải quyết việc làm, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông Hai cũng luôn tích cực tham gia phong trào đoàn thể, đóng góp, ủng hộ các hoạt động của địa phương”, ông Hiệp cho biết.

 “Hằng năm, xã Hành Phước giải quyết việc làm tăng thêm cho 70 lao động ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/ người/năm. Xã cũng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, trợ giúp xã hội; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát huy nội lực của người dân và cộng đồng; chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm…”.