Sau dịch Covid-19: Lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm

VHO- Theo thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1.1997) - thông tin trong buổi họp báo từ Cục thống kê Đà Nẵng sáng ngày 30.6.

Sau dịch Covid-19: Lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm - Anh 1

Lĩnh vực sản suất công nghiệp nói chung chịu áp lực lớn

Xét trên phạm vi cả nước, Đà Nẵng là một trong số 12 tỉnh thành phố kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 có mức tăng trưởng âm (trên Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hòa Bình). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế thành phố Đà Nẵng đang đứng trước khó khăn và thách thức to lớn, bởi những ngành kinh tế mũi nhọn từ trước vẫn có vai trò đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19.

Do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, tính đến ngày 19.5, trên địa bàn thành phố có khoảng 179 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó có 12,6 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 59,6 nghìn lao động bị ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; 106,8 nghìn lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hơn 24 nghìn hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó những ngành chịu tác động nặng nề của dịch bệnh có mức giảm khá sâu như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (-28,4%); dịch vụ vận tải; bưu chính và chuyển phát; các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi và giải trí… Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý người tiêu dùng, người dân và khách du lịch hạn chế mua sắm nơi cộng cộng. đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại từ dịch lây lan.

Khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm giảm rõ rệt, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú ước đạt 1.660 lượt, giảm 49,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 627 nghìn lượt chỉ bằng 53,8% so với cùng kỳ. Khách do cơ sở lữ hành phục vụ ước đạt 324 nghìn lượt, giảm 64,7%, đặc biệt các tour đi du lịch nước ngoài giảm đáng kể, số lượt khách Đà Nẵng đi du lịch nước ngoài chỉ tập trung hầu hết ở 3 tháng đầu năm. Cùng với các hoạt động du lịch kéo theo các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.

Sau dịch Covid-19: Lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm - Anh 2

Ngành kinh doanh lưu trú sụt giảm nặng nề

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kìm chế sự sụt giảm nghiêm trọng của cả khu vực đã duy trì được mức tăng trưởng khá như hoạt động thông tin truyền thông, ngân hàng, y tế và trợ giúp xã hội… Ngoài ra, với các dự án lớn được cấp phép đầu từ trong năm 2019 như: Dự án sản xuất linh kiện hàng không; dự án khu du lịch Xuân Thiều; dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A - Tower. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đây được xem là thành quả to lớn của chính quyền Đà Nẵng trong chính sách thực hiện thu hút đầu tư.

Riêng đối với ngành du lịch, ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng cho biết: Sở du lịch đang ráo riết triển khai kế hoạch phục hồi khách du lịch - đặc biệt là khách nội địa trong tháng cao điểm 7,8,9. Trong đó sẽ tập trung triển khai kế hoạch phục hồi du lịch với những đề án, sản phẩm, hoạt động quy mô lớn như du lịch cộng đồng Nam Ô, du lịch cộng đồng Mân Thái, du lịch cộng đồng Thọ Quang. Đồng thời triển khai phát triển kinh tế đêm theo đúng chủ trương của thành phố đã đưa ra.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 25.6, TP Đà Nẵng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn dp dịch bệnh, tính đến ngày 25.6 đã chi hỗ trợ cho 96.380 đối tượng, kinh phí gần 103,4 tỷ đồng. Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tại Đà Nẵng khẳng định: Về các vấn đề vay mới, hệ thống ngân hàng sẵn sàng đáp ứng cho DN và người dân để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ đồng hành những vướng mắc khó khăn về vốn. Trong trường hợp vướng mắc với các tổ chức tín dụng, NH mong muốn DN và người dân phản ảnh kịp thời để giải quyết nhanh.

N. HÀ

 

Ý kiến bạn đọc