Nhân lực cạnh tranh trong thời đại 4.0

NGỌC QUANG

VHO - Một nền kinh tế muốn đạt được mức độ tăng trưởng cao phải dựa vào ít nhất 5 yếu tố: Cơ sở hạ tầng hiện đại; công nghệ cao; môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư; chính trị xã hội ổn định và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó đặc biệt là yếu tố nguồn nhân lực trình độ cao.

Nhân lực cạnh tranh trong thời đại 4.0 - ảnh 1

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: T. NGHĨA

 Vấn đề nguồn nhân lực trong thời đại 4.0 được đặt ra một cách cấp thiết. Theo ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, hiện tại chúng ta đang có một nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, nhưng đáng tiếc là nguồn nhân lực này còn nhiều hạn chế về chất lượng.

Cuộc cạnh tranh nhân lực chất lượng cao

Trong khi đó, đại diện Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho rằng, trước tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Sinh viên cần phải sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Phát biểu tại Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trình độ cao, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam, trong đó, chủ yếu là các DN công nghệ số, công nghệ ICT. Thực tế cho thấy, cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Đầu ra của nhà trường là DN, nhưng nhà trường đã hiểu DN, đã bám theo DN để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Ở chiều ngược lại, để có nhân lực tốt cho mình DN đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kết sản phẩm thế nào, hay là hai đối tượng này vẫn xa nhau và không loại trừ cả việc đổ lỗi cho nhau?

Theo giới chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm mờ ranh giới giữa con người và công nghệ, hợp nhất thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Không có cách nào khác là phải thích ứng với những thay đổi này và hỗ trợ quá trình chuyển đổi lực lượng lao động. Giới nghiên cứu cũng cho rằng, nguồn nhân lực 4.0 cần đáp ứng 5 yếu tố cơ bản, là: Phát triển năng lực lãnh đạo mới; Quản lý tích hợp công nghệ tại nơi làm việc; Nâng cao trải nghiệm của nhân viên; Xây dựng văn hóa học tập linh hoạt và cá nhân hóa; Thiết lập các thước đo để định giá vốn nhân lực.

Chuẩn bị nhân lực để đi trước đón đầu

Là quốc gia có lực lượng lao động lớn, Việt Nam phải tranh thủ tận dụng cơ hội biến nhân lực thành một lợi thế. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội lại vừa là thách thức.

Thế hệ Z (được định nghĩa là những người sinh nửa sau của thập niên 1990 cho tới những năm đầu của thập niên 2000, khoảng 1996 đến 2001) tại Việt Nam, tính đến năm 2025 sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động, tương đương với 15 triệu người. Đây chính là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong thời đại công nghệ. Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, nếu phát huy được thế hệ Z Việt Nam sẽ tiến rất nhanh. “Thế hệ Z thể hiện họ là lực lượng lao động tiên phong và có nhiều tiềm năng để phát triển khi được trao đúng cơ hội nghề nghiệp và phát triển”, ông Echizenya nói. Tương tự, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động (Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam) cho rằng, những thách thức hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường lao động được hiện đại hóa.

Để đáp ứng nguồn nhân lực ấy đòi hỏi phải kiên trì thực hiện chiến lược đi trước đón đầu. Riêng với cuộc đua chip toàn cầu, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia và khẳng định mình trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Như vậy, việc chuẩn bị nhân lực để đi trước đón đầu trong cuộc đua công nghệ thời đại 4.0 cần được đặt ra khi mà sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao vẫn tồn tại như một thách thức. Nhiều DN cho biết, sau khi tiếp nhận nhân sự trình độ đại học vào làm việc thì DN lại phải mất thêm nhiều thời gian để đào tạo lại. Điều đó phần nào cho thấy việc đào tạo trong các trường cao đẳng nghề, đại học vẫn “chạy theo” sự phát triển và nhu cầu của cuộc sống. Đào tạo nặng về lý thuyết mà thiếu hụt thực hành là nguyên nhân chính dẫn đến việc đó.

Chính vì thế, để nhanh chóng có lực lượng nhân lực công nghệ chất lượng cao, theo TS Nguyễn Thanh Bình (Đại học RMIT), cần phải “tiến hóa” mô hình giáo dục. Sinh viên công nghệ không nhất thiết phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Thay vào đó, nên có những mô hình giáo dục thời gian ngắn hơn, có thể chọn lựa những người đang đi làm để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định. Theo mô hình này, chỉ cần 6 tháng là có nhân lực công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc. Còn theo ông Vũ Anh Tuấn (Hội Tin học TP.HCM), nên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bằng cách lựa chọn những kỹ sư đã có kinh nghiệm để đào tạo ở lĩnh vực mới, khoảng một năm là đủ. n

 Theo báo cáo từ TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam), lực lượng lao động ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay chỉ vào khoảng 530.000 lập trình viên, chiếm số đông là thế hệ Gen Z và thế hệ Millennials (1981-1996). Trong khi đó, số lượng DN công nghệ số đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam ước tính khoảng 71.000. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin là rất lớn hơn. Dự báo năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 kỹ sư công nghệ thông tin.