Công nghiệp văn hóa: Lấp “khoảng trống” nguồn nhân lực chất lượng cao

VHO - Thành quả mà các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước những năm qua đã được nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, so với tiềm năng, sự phát triển này còn chưa tương xứng. Về thách thức đặt ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, phát triển công nghiệp văn hóa liên quan rất nhiều đến yếu tố sáng tạo và con người, nhưng thực tế, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn rất hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế.

Công nghiệp văn hóa: Lấp “khoảng trống” nguồn nhân lực chất lượng cao - Anh 1

 Cần ưu tiên đầu tư cho đội ngũ sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh minh họa

 Giảm sức cạnh tranh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, về công tác phát triển nguồn nhân lực, một số mô hình tổ chức đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua đã được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Nhìn vào tổng thể những bất cập và thách thức, một trong những “khoảng trống” chính là nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Chính sách đãi ngộ trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.
TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa đang đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo trong văn học nghệ thuật, đem lại nhiều cơ hội cho văn nghệ sĩ. Sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Tuy nhiên, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt, hấp dẫn vẫn là chưa đủ, văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi công nghiệp văn hóa…”, ông Nô nhấn mạnh.
Một phần nguyên nhân khiến văn học nghệ thuật chưa phát huy đúng tiềm năng được chỉ ra là do sự thiếu hụt về đội ngũ sáng tạo cũng như những cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, những ý tưởng, sản phẩm chất lượng để đóng góp cho công nghiệp văn hóa.
Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, địa hạt giàu tiềm năng, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để có một mẫu mã đẹp không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là cả một quá trình tìm kiếm, chắt lọc và sáng tạo. Có những nghệ nhân suốt đời làm nghề chỉ tạo ra được một vài mẫu mã có giá trị, để đời. Nhiều nghệ nhân kinh nghiệm và kỹ thuật tinh xảo có thừa, song lại không có khả năng sáng tạo. “Hiện số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi thì hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ được học hành bài bản, năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống, thích chạy theo sự tân kỳ, bắt chước, sao chép mẫu sẵn có và cải biên chút ít để… làm mới”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề nhận định.
Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống, để trở thành một “mắt xích”, thành tố của các ngành công nghiệp văn hóa là chặng đường muôn vàn khó khăn. Theo TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, tại các đơn vị đào tạo tài năng nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhiều năm nay không có thí sinh thi tuyển vào các lớp diễn viên, nhạc công Tuồng, Cải lương. Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trẻ kế cận là nguy cơ lớn chưa có giải pháp khắc phục. Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều nghệ sĩ phải lăn lộn mưu sinh để có thêm thu nhập… “Các tác phẩm vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, định hướng thẩm mỹ, bảo tồn và phát huy truyền thống, vừa phải trở thành nghệ thuật đại chúng mang tính giải trí cao, doanh thu tốt, quả là một nhiệm vụ bất khả thi. Chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật trong nước đã khó, với thị trường nước ngoài càng khó hơn bội phần”, theo ông Triệu Trung Kiên.
Hoàn thiện chính sách, đầu tư cho nguồn nhân lực
Ông Đoàn Thanh Nô cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Nhà nước về công nghiệp văn hóa để các tổ chức thành viên đổi mới sáng tạo, thể hiện sự đa dạng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật; nhất quán quan điểm khuyến khích tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo nên tác phẩm độc đáo, mang phong cách riêng biệt, đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa. Nhà nước cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa.
“Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sẽ phải đối diện với cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, vì vậy cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa quốc gia…”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh. 
Những mong chờ về chế độ, chính sách cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống ngày càng trở nên bức thiết. Theo TS Triệu Trung Kiên, để nghệ thuật truyền thống có được chỗ đứng tại thị trường trong nước và quốc tế, những giải pháp quan trọng cần hướng đến là có cơ chế, chính sách nâng cao đời sống và vị thế xã hội cho văn nghệ sĩ; có giải pháp khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích, có chính sách đãi ngộ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật. Có cơ chế, chính sách để văn hóa, nghệ thuật truyền thống được phổ biến rộng rãi trong đời sống; đưa vào giáo trình giảng dạy tại các cấp phổ thông…
Nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nguồn nhân lực, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh bày tỏ, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp, chất lượng, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu văn hóa dân tộc, có trình độ, kỹ thuật, ngoại ngữ… Nhiều năm qua, Tập đoàn luôn chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, sử dụng lực lượng lao động là người bản địa, người dân tộc để quảng bá văn hóa, du lịch bản địa.
Tại nhiều địa phương, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để phát triển công nghiệp văn hóa, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực và các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá, hợp tác quốc tế… là trọng tâm. Bên cạnh đó là khung pháp lý, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, nên lấy doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực sáng tạo nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung làm trọng tâm mang tính định hướng…

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc