Phát triển nguồn tài nguyên nhân lực, tạo sức bật từ "đòn bẩy" chính sách

VHO- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang được coi là một trong những đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, phải thẳng thắn nhìn nhận nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp văn hóa còn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Việc tháo gỡ được điểm nghẽn này sẽ khai thông một nguồn lực rất quan trọng, tạo đà để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.

Phát triển nguồn tài nguyên nhân lực, tạo sức bật từ

 Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu

 Khan hiếm tài nguyên nhân lực chất lượng cao

Theo Bộ VHTTDL, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ toàn ngành đã tập trung thực hiện là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, mô hình đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong nước hình thành theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và đã xác định được mô hình phù hợp, phát huy hiệu quả trong đào tạo tài năng nghệ thuật. Chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng hoàn thiện; các tài năng trẻ được phát hiện, bồi dưỡng, phát huy năng lực sáng tạo, tạo nên các sản phẩm mới đặc sắc trong ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, nhìn chung nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút người làm văn hóa, nghệ thuật chưa thật sự phù hợp với yêu cầu đặt ra trong tập trung phát triển một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực dành cho công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ còn mỏng về số lượng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhận định, dù đã được quan tâm, đầu tư hơn so với trước đây nhưng kết quả phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa chưa thật sự như mong muốn, chưa đáp ứng được mục tiêu cũng như yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Đáng chú ý, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện còn thiếu và yếu. Đơn cử như đội ngũ đạo diễn có khả năng nghiên cứu thị trường, quản trị, nếu kể ra chắc chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

“Chỉ tính riêng ngành nghệ thuật biểu diễn, một số bộ môn truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương… rất khó tuyển sinh đầu vào vì thí sinh đăng ký rất ít. Cơ chế, chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thiếu là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó chiêu mộ nhân tài để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dẫn đến khan hiếm “tài nguyên” nhân lực chất lượng cao”, PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, ThS Bùi Thị Kim Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, đa số nguồn nhân lực hiện có, nhất là ở các đơn vị công lập còn thiếu kỹ năng quản trị nghệ thuật, kinh doanh và chuyên môn. Lĩnh vực sân khấu đang rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng do thiếu khán giả, thiếu hụt nguồn nhân lực về tiếp thị - marketing nghệ thuật, nhất là khi bước vào giai đoạn tự chủ. Trình độ nguồn nhân lực trong các tổ chức nghệ thuật biểu diễn không đồng đều; ngoại ngữ cũng đang là vấn đề, vì không nhiều người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến đối tượng khách du lịch, chương trình đối ngoại, giao lưu văn hóa… khiến công tác ngoại giao, quảng bá văn hóa gặp phải một số hạn chế nhất định.

Phát triển nguồn tài nguyên nhân lực, tạo sức bật từ

Kỳ vọng từ “đòn bẩy” chính sách

Trước thực trạng trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, rất cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở các cấp giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo của Việt Nam. Giải pháp này bao gồm việc thay đổi chương trình đào tạo trong các trường và cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật…, bằng việc bổ sung các môn học đào tạo năng lực kinh doanh, phân tích thị trường, tiếp thị, gây quỹ, xây dựng dự án… Ông cho rằng, kỹ năng sáng tạo cần phải được học từ rất sớm để đặt nền tảng cho sự bổ sung liên tục những tài năng sáng tạo và “kích thích” sự phát triển sản phẩm mang tính sáng tạo tinh vi, đa dạng hơn.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho hay, để làm được điều này, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội. Nhà nước cần phải thay đổi về cơ chế, chính sách, luật pháp và cách ứng xử với văn hóa, đặc biệt cần thay đổi cơ chế chính sách đối với các trường, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho văn hóa.

Ngoài ra, cần có thêm cơ chế, chính sách để kịp thời khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ tham gia học tập, sáng tạo ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Cùng với đó, phải đổi mới và nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo; tăng cường quá trình hội nhập quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

ThS Bùi Thị Kim Phương cho biết thêm, hiện marketing đang được coi là “cầu nối” giữa vở diễn với khán giả, nhưng đây lại là khâu yếu nhất về nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Khán giả của nghệ thuật biểu diễn có thị hiếu đa dạng và phân hóa rõ nét giữa các nhóm đối tượng. Chính đặc điểm này đang đòi hỏi cần phải có hình thức đào tạo phù hợp cho đội ngũ biên kịch, phân phối sản phẩm biểu diễn để họ có tư duy và phương pháp tiếp cận thị trường thay vì các mục tiêu chung chung. “Đánh trúng” yếu tố này, công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ. 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc