Nghĩa Hành:
Mô hình “Ngân hàng heo giống” mang lại hiệu quả cho người nghèo ở Hành Phước
VHO - Đồng hành cùng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, 3 năm qua Hội Nông dân xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình “Ngân hàng heo giống” cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bằng 100% kinh phí từ nguồn Hội Nông dân thực hiện xã hội hóa. Đến nay mô mình đã phát huy hiệu quả tại địa phương, nhân rộng sinh kế tại hộ.
Tạo sinh kế từ mô hình chăn nuôi
Chị Trần Thị Bích Hoa (23 tuổi), thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước sau khi lập gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, mẹ chồng chị bị bệnh xương khớp ngồi một chỗ, không đi lại được.
Năm 2022, chị Hoa được Hội Nông dân xã hỗ trợ 1 con heo giống sinh sản từ mô hình “Ngân hàng heo giống”. Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và vệ sinh thú y khoa học, heo giống của chị đã sinh sản được 3 lứa, 27 con heo con, hiện heo giống mẹ đang mang thai lứa thứ 4.
Chị Hoa cho biết, chị đã bán được gần 14 triệu đồng tiền heo con và trả lại 1 con giống theo cam kết ban đầu với Hội Nông dân xã, để tiếp tục hỗ trợ cho hội viên khác.
“Mình là phụ nữ trẻ trước giờ chưa nuôi heo, khi được hỗ trợ heo tôi lo lắng nhưng được cán bộ Hội Nông dân, cán bộ thú ý xã tận tình động viên, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cộng với quyết tâm thoát nghèo của gia đình, tôi đã nuôi thành công. Giờ tôi đã rất tự tin, có kiến thức chăn nuôi, tôi sẽ tăng đàn để thêm thu nhập cho gia đình”, chị Hoa vui vẻ nói.
Còn đối với chị Phạm Thị Bé (41 tuổi), thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước thì cho rằng, những ngày này mùa mưa lũ, vùng thuần nông ven sông Vệ như xã Hành Phước, thường xuyên ngập úng. Không ra đồng làm hoa màu được thì chăn nuôi lại mang về nguồn thu nhập chính và giải quyết được công lao động của nhà nông.
Cái thuận lợi nhất khi tham gia “Ngân hàng heo giống” so với các mô hình, chương trình khác là trong thời gian nuôi, người nuôi có thể linh động trao đổi, mua bán, chuyển qua nuôi thịt…chỉ cần đáp ứng được điều kiện trong vòng 12 tháng trả lại một con giống sinh sản chất lượng là được.
Vì vậy, cuối năm 2023 tôi nhận heo giống và chuyển nuôi thịt để bán heo hơi lấy lãi, lấy tiền lãi tôi đã mua lại một con giống sinh sản khác.
“Trước đây tôi chỉ nuôi bò giờ mở rộng chuồng trại nuôi thêm heo, tăng thêm thu nhập có tiền chăm lo cho mẹ già gần 90 tuổi và 2 con đang tuổi ăn tuổi học, gia đình tôi đã thoát hộ cận nghèo vào năm 2023”, chị Bé cho hay.
Nhân rộng mô hình “Ngân hàng heo giống”
Xuất phát từ thực tế của của địa phương là xã thuần nông. Năm 2022, Hội Nông dân xã Hành Phước đã thành lập mô hình “Ngân hàng heo giống”, hỗ trợ hội viên nông dân là hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, từ nguồn kinh phí xã hội hóa thông qua tổ chức Giải bóng chuyền truyền thống tranh cúp “Bông lúa vàng” dịp Tết nguyên đán hằng năm.
Mức hỗ trợ 1 con heo giống sinh sản/hộ, điều kiện là hộ nhận heo trong vòng 12 tháng phải trả lại cho hội 1 con heo giống sinh sản chất lượng, để hội hỗ trợ hộ tiếp theo.
Nếu như vào năm 2022 khi thành lập mô hình chỉ có 21 con giống được trao thì đến nay đã tăng lên 77 con. Sau 3 năm tổng kết mô hình cũng cho thấy hội viên nông dân nghèo, khó khăn ở xã sau khi có sinh kế ban đầu chăn nuôi đã tận dụng được nông sản, các chế phụ phẩm nông nghiệp của gia đình để mang lại thu nhập tại hộ.
Đồng thời, Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức 4 buổi tập huấn cho hộ nuôi về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn vật nuôi, kiểm tra hỗ trợ điều trị heo bị bệnh, tiêm vắc xin miễn phí cho các hộ tham gia mô hình.
Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (29 tuổi), thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước bày tỏ: “Cảm ơn Hội Nông dân xã vì đã quan tâm hỗ trợ con giống cho gia đình, vì hiện nay giá heo giống sinh sản cao, gia đình muốn nuôi heo nhưng chưa có tiền mua con giống, nhận được con giống là động lực, thêm sinh kế cho gia đình làm ăn, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Phước Võ Thị Vui cho biết, theo kế hoạch năm 2025, Hội huy động xã hội hóa, đợt 1 trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ hỗ trợ 15 con; đợt 2 sau khi tổ chức Giải bóng chuyền truyền thống cúp “Bông lúa Vàng” trao tiếp 10 con heo giống sinh sản cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, với mức 1 con/hộ.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã tiếp tục chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan duy trì, phát triển mô hình này; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Khuyến khích các hộ nông dân đầu tư vào chăn nuôi theo định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Quan tâm thăm hỏi quá trình chăm sóc heo của hộ để kịp thời hỗ trợ điều trị nếu heo bị bệnh hoặc gặp rủi ro ngoài ý muốn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành Lê Thị Nhật cho biết: “Mô hình “Ngân hàng heo giống” của Hội Nông dân xã Hành Phước là một mô hình sinh kế có tính bền vững, phát huy hiệu quả lâu dài cần được nhân rộng. Ngân hàng heo giống phù hợp với điều kiện địa lý cũng như việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với những hộ nghèo, cận nghèo, ngoài trồng lúa và các loại cây rau màu, các phụ phẩm nông sản nếu không đầu tư chăn nuôi thì cũng bỏ đi, vừa lãng phí lại ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, gần đây chăn nuôi heo gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, vì vậy các hộ nuôi phải xây dựng chuồng trại đảm bảo, thực hiện tốt các quy định phòng dịch, đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả”.