Quảng Ngãi:
Hành Phước trao sinh kế phù hợp, giúp dân thoát nghèo bền vững
VHO - Để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống và có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) xây dựng và triển khai nhiều mô hình sinh kế đa dạng. Đây được xem là chìa khoá để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, cải thiện cuộc sống, từ đó, góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc để họ tự tin xây dựng cuộc sống mới.
Trao cơ hội thoát nghèo
Từ thực tế phần lớn hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn, tư liệu sản xuất, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hành Phước đã tập trung xây dựng những mô hình hỗ trợ về con giống, giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức làm ăn cho người dân. Một trong những mô hình hiệu quả đang được Mặt trận xã thực hiện là phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo.
Những năm trước đây, gia đình ông Cao Thế Vũ (71 tuổi), thôn An Chỉ Đông, xã Hành Phước thuộc diện hộ nghèo của xã. Do thiếu vốn, tư liệu sản xuất cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nuôi bò sinh sản, gia đình ông đã có thu nhập ổn định hơn.
Ông Vũ chia sẻ, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, gia đình ông được chính quyền địa phương tuyên truyền thay đổi nhận thức, không trông chờ ỷ lại, thay vào đó khơi dậy ý chí vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững trong mỗi người dân.
“Khi nhận bò, tôi được hướng dẫn cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Được hỗ trợ mô hình sinh kế như được trao “chiếc cần câu” để gia đình tôi có điểm tựa cải thiện thu nhập gia đình”, ông Vũ bày tỏ.
Dẫn chúng tôi ra phía chuồng bò, lấy nắm cỏ cho bò ăn ông Vũ hạnh phúc nói: “Năm 2024 này gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo rồi. Gia đình tôi nhận bò tháng 2.2023 từ Mặt trận xã hỗ trợ, qua thời gian nuôi bò sinh sản bê con, tôi mới bán được hơn 9 triệu đồng. Hiện tại, bò vẫn đang khỏe mạnh và phát triển tốt. Hy vọng từ con bò này sẽ cho ra nhiều lứa sau, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình”.
Thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của nhà nước
“Mặc dù hộ nghèo được hưởng rất nhiều chế độ, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, như: Y tế, giáo dục, vay vốn… nhưng tôi nhận thấy xung quanh mình còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn cần được giúp đỡ nên đã xin thoát nghèo”. Đây là những lời tự đáy lòng của chị Phan Thị Lang khi trò chuyện cùng chúng tôi.
Chị Phan Thị Lang (SN 1969), ở thôn Đề An, xã Hành Phước cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân thường xuyên đau ốm lại nuôi mẹ già lớn tuổi. Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã, vợ chồng phải tất bật xoay sở đủ việc để nuôi con ăn học.
“Gia đình tôi được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống, heo giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt... nên tôi có điều kiện phát triển mô hình sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, tôi có thêm thu nhập để nuôi con ăn học, cải thiện cuộc sống. Tôi đã động viên các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát nghèo. Hiện giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng đã ổn định hơn nhiều. Tôi tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo”, chị Lang chia sẻ.
Những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo không hẳn vì cuộc sống khá hơn mà chứng tỏ họ đã có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nhưng họ lại lấy đó là động lực để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên chiến thắng cái nghèo.
Để thoát nghèo bền vững, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, cách tốt nhất là trang bị cho người dân kiến thức và cách thức làm ăn. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền xã Hành Phước thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề.
Giai đoạn năm 2021 đến năm 2024, từ nguồn ngân sách của nhà nước và huy động xã hội hóa, xã Hành Phước đã xét chọn, trao 6 con bò cái giống lai sinh sản cho 6 hộ nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hành Phước Hồ Ngọc Chí, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hành Phước giảm đáng kể, nếu như năm 2019 còn 3,71% hộ nghèo thì đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,39%,.
Tuy nhiên, xã Hành Phước là xã thuần nông, hiện vẫn còn 313 hộ nghèo, cận nghèo, thời gian tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục để triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả tốt nhất.
“Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp vận động nguồn lực đóng góp công tác an sinh xã hội, tập trung xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động khảo sát, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhất là tạo việc làm cho lao động là thành viên trong hộ nghèo, cận nghèo nhằm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Chí nhấn mạnh.