Hình thành trung tâm công nghiệp và dược liệu tại Quảng Nam
VHO - Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28.2.2025 phê duyệt đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Theo đó, đề án tập trung phát triển hệ thống chuỗi sản xuất, kinh doanh đồng bộ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực tại tỉnh Quảng Nam, hình thành khu vực tập trung các cơ sở công nghiệp dược liệu có kết nối với các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật và nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dược liệu để sớm đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp chế biến dược liệu trọng điểm của khu vực và của cả nước.
Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, trong đó, nhà nước tập trung đầu tư và sớm hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và tạo các điều kiện thuận lợi nhằm thu hút thúc đẩy xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp dược liệu gắn với việc bảo tồn, phát huy nguồn gen các dược liệu đặc hữu nhất là sâm Ngọc Linh.

Đề án với mục tiêu phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu dược liệu và hệ thống chế biến, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học,… để từng bước đưa Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước.
Phát huy tiềm năng của sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh và các dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, với các mục tiêu sau:
Giai đoạn 2025-2035: Duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp; ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và phù hợp với sinh thái của từng địa phương.
Hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới.
Trước năm 2030, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực Trung tâm công nghiệp dược liệu tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước mắt tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai; nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.

Giai đoạn 2036-2045: Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Đa dạng hoá các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là chủ lực, có chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia chuỗi giá trị công nghiệp dược liệu toàn cầu, với nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Đề án đề xuất triển khai đồng bộ hệ thống các nhiệm vụ giải pháp gồm xây dựng thể chế, chính sách, hoàn chỉnh các quy hoạch thúc đẩy thu hút đầu tư, xây dựng phát triển nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quảng bá, xúc tiến thương mại…
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì triển khai đề án, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bảo tồn giống sâm. Bộ KH-CN hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào trung tâm công nghiệp dược liệu.
Để đạt được mục tiêu này, đề án đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước tiên, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung bảo tồn nguồn gen, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh tại các khu vực phù hợp, đồng thời phát triển thêm các loại dược liệu tiềm năng khác,…