Đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:
“Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh”
VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.
Theo đó, cây sâm Ngọc Linh còn được người dân bản địa gọi là cây “thuốc giấu”. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, đây được coi là loại “thần dược” có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Sống dựa vào thiên nhiên nên từ xa xưa đồng bào cư trú quanh dãy núi Ngọc Linh, đặc biệt là đồng bào Xơ Đăng đã biết đến loài cây thuốc quý mọc trong các khu rừng nguyên sinh. Có thể nói, trồng, chế biến và khai thác sâm là tri thức dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc gắn liền với nền nông nghiệp nương rẫy và kinh tế rừng. Điều này cũng minh chứng cho sự gắn bó, gần gũi và hòa hợp với môi trường của cộng đồng cư dân bản địa.
Việc tiếp cận, nhân giống, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế rất cao, cho thấy sự thay đổi, phát triển về tập quán sản xuất từ khai thác, hái lượm sang tập trung đầu tư thâm canh chuyên sâu, nhờ đó một bộ phận người dân huyện Nam Trà My đã thoát nghèo bền vững.
Qua quá trình thực hành di sản, cộng đồng địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hình thành nên hệ thống tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh khá hoàn chỉnh. Di sản đó có thể xem là kho tàng vô giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những tiềm năng từ cây sâm mang lại, việc bảo tồn và phát huy tri thức dân gian nghề nghiệp trong việc khai thác, trồng, chế biến sâm Ngọc Linh cũng cần được bảo lưu, gìn giữ.
Với những giá trị nổi bật nêu trên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở VHTTDL, UBND huyện Nam Trà My tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể “Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”. Đến nay, hồ sơ đã hoàn thành theo đúng quy định, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được biết, huyện Nam Trà My đang tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung trên diện tích khoảng 15 nghìn héc ta tại 7 xã của huyện. Hiện đã có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng sâm với tổng diện tích hơn 1.650 ha. Bên cạnh đó, huyện đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích gần 342 ha. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sâm Ngọc Linh thông qua các phiên chợ hằng tháng, sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động du lịch…
Địa phương cũng ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045, với mục tiêu bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái. Phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 8.400 ha vào năm 2030 và 100% diện tích trồng Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng kết hợp giới thiệu văn hóa, truyền thống canh tác và sử dụng sâm... Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh xuất khẩu sâm lớn ra thế giới.