60 gian hàng tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 56

VHO - Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 56 thu hút 60 gian hàng của các cơ sở kinh doanh và người dân Ca Dong, Xê Đăng tại bảy xã trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tham gia.

60 gian hàng tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 56 - Anh 1

Phiên chợ lần thứ 56 thu hút 60 gian hàng tham gia 

Sáng nay 1.8,  UBND huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu lần thứ 56 với 60 gian hàng của các cơ sở kinh doanh và bà con người đồng bào Ca Dong, Xê Đăng tại bảy xã trồng sâm Ngọc Linh ở huyện.
Đây là phiên chợ định kỳ, được tổ chức từ ngày 1-3 hàng tháng. Phiên chợ tháng 8 này cũng nằm trong chuỗi sự kiện lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ V với chủ đề "Sâm Ngọc Linh - Khát vọng vươn xa" và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My, diễn ra từ ngày 1-3.8 với rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao hấp dẫn. 
Theo Ban tổ chức, có gần  100 kg sâm Ngọc Linh tươi được chào bán tại phiên chợ với mức giá dao động từ 10-12 triệu đồng/1kg lá tươi; hoa sâm 15-17 triệu đồng/1kg, hạt sâm giống có giá bán khoảng 80 - 100 triệu đồng/1.000 hạt.  Sâm tươi loại 10 củ 1 kg có giá bán gần 200 triệu đồng, loại 50 củ 1 ký có giá bán khoảng 50 triệu đồng. Một cây sâm giống 1 năm tuổi có giá 300 ngàn đồng. 
Ngoài sâm Ngọc Linh, phiên chợ còn bày bán hàng nông sản, dược liệu đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Trà My và sản phẩm OCOP đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh và 2 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum.

60 gian hàng tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 56 - Anh 2

Người dân và du khách tham quan các gian hàng

Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.
Phiên Chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản hàng tháng được tổ chức định kỳ từ ngày 1-3 hàng tháng tại huyện Nam Trà My để bà con trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu, nông sản đưa sản phẩm đến trao đổi, giao thương. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 50 ký sâm củ cùng hàng trăm mặt hàng dược liệu, nông sản đặc trưng được người dân đem tới bày bán với doanh thu hơn 5 tỉ đồng. Các phiên chợ cũng góp phần thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến tham quan mua sắm.

Ban Kiểm định sâm Ngọc Linh tại lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ V xác nhận, sáng cùng ngày, đơn vị phát hiện hơn 2kg nghi là sâm giả được một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Trà Cang đưa vào phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu lần thứ 56. Sau khi kiểm tra, Ban Kiểm định nhận thấy đây không phải là sâm Ngọc Linh và nghi ngờ là sâm giả nên trình báo cơ quan chức năng để đưa đi kiểm tra, giám định. Theo Ban kiểm định, việc giám định sâm Ngọc Linh hiện nay chỉ dựa vào kinh nghiệm của những người có thâm niên trồng sâm trong tổ kiểm định chứ chưa có máy móc nào hỗ trợ. Với những người bản địa, trồng sâm lâu năm thì chỉ cần căn cứ vào đặc điểm của củ, mắt… thì có thể xác định được có phải sâm Ngọc Linh thật hay không. Đối với số lượng nghi ngờ là giả như trên, cần phải chờ kết quả kiểm định mới có thể khẳng định chính xác. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc