Người phụ nữ Mường và hành trình “thắp sáng” bản làng
VHO - Giữa núi rừng xanh thẳm của thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), bà Hà Thị Tự, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, vừa trở về từ Hội nghị biểu dương ở Hà Nội. Với dáng vẻ mộc mạc nhưng ánh mắt sáng ngời, bà kể lại chuyến đi đầy ý nghĩa, nơi bà được tôn vinh là một trong những điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tấm gương sáng giữa núi rừng
Cao Hoong là một bản làng nhỏ nằm nép mình giữ đại ngàn hùng vĩ thuộc xã Lũng Cao. Với 24 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế và hạ tầng cơ bản. Được bà con tín nhiệm, năm 2008, bà Hà Thị Tự được bầu làm Trưởng thôn, và đến nay bà đã trở thành một tấm gương sáng về sự tận tụy với cộng đồng.
Dưới sự “chèo lái” của bà Hà Thị Tự, bản Cao Hoong dần thay da đổi thịt. Bà vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ đã biết canh tác hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và tăng thu nhập từ các cây trồng mới như lúa chất lượng cao, ngô lai, rau màu… Bên cạnh đó, bà đặc biệt chú trọng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Các phong tục truyền thống như lễ hội, trang phục được bà khuyến khích duy trì, trong khi các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ nhờ sự kiên trì thuyết phục của người Trưởng thôn gương mẫu.
“Bà Tự không chỉ là người lãnh đạo mà còn như một người chị, người mẹ của dân bản. Bà luôn hết lòng vì cộng đồng, dẫn dắt dân làng trong mọi phong trào thi đua xây dựng thôn bản, cải thiện cuộc sống”, chị Phạm Thị Dung, một người dân Cao Hoong chia sẻ.
Hành trình mang ánh sáng về bản làng
Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất về bà Tự là chuyến đi tới Ấn Độ cách đây 6 năm. Đó là lần đầu tiên bà rời khỏi núi rừng quê hương để học cách mang ánh sáng về cho bản làng.
Năm 2015, thông qua một dự án của Tổ chức phi chính phủ GRET (Pháp), thôn Cao Hoong được chọn tham gia chương trình đào tạo về năng lượng mặt trời tại Trường Barefoot, bang Rajasthan, Ấn Độ. Trong bốn phụ nữ dân tộc thiểu số của Thanh Hóa được lựa chọn, bà Hà Thị Tự là người duy nhất đại diện cho huyện Bá Thước.
“Lần đầu tiên đi máy bay, đến một đất nước mà ngôn ngữ và văn hóa đều xa lạ, tôi vừa lo lắng vừa phấn khởi. Nhưng nghĩ đến việc mang ánh sáng về cho bản làng, tôi tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt”, bà Tự nhớ lại.
Khóa học kéo dài 6 tháng đã giúp bà nắm vững kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa hệ thống năng lượng mặt trời. Với sự quyết tâm và chăm chỉ, bà đã vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa và hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo.
Khi trở về quê hương, bà bắt tay vào lắp đặt các bộ đèn năng lượng mặt trời cho 24 hộ dân ở Cao Hoong. Nhờ ánh sáng từ những chiếc đèn này, bà con không còn phải sống trong cảnh tối tăm khi màn đêm buông xuống. Đặc biệt, các thôn lân cận như Kịt, Pốn cũng được bà hỗ trợ lắp đặt đèn, mở ra một trang mới cho đời sống vùng cao.
“Mỗi khi đèn nhà ai hỏng, bà con lại gọi tôi đến sửa chữa. Nhìn ánh sáng rực lên từ những ngôi nhà trong bản, tôi thấy hạnh phúc vô cùng”, Trưởng thôn Hà Thị Tự chia sẻ.
Cống hiến từ trái tim nhiệt huyết
Không chỉ thắp sáng nơi núi rừng xa xôi, bà Hà Thị Tự còn đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống của đồng bào. Dưới sự vận động của bà, người dân đã chung tay xây dựng đập tràn Nặm Oong, tuyến mương tưới dài 200m phục vụ 4,8 ha lúa và nhiều công trình thiết yếu khác như đường nội đồng, sân bóng… Dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng bà Tự luôn tìm cách khơi dậy tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh cộng đồng để vượt qua thách thức. Những công trình này không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà còn tạo sự gắn kết và tin tưởng lẫn nhau giữa các gia đình trong thôn.
Một nhiệm vụ quan trọng khác mà bà Tự thực hiện là bảo vệ rừng. Sống trong khu vực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bà hiểu rõ vai trò của rừng đối với đời sống người dân. Nhờ những buổi tuyên truyền kiên trì, bà con trong bản đã dần thay đổi nhận thức, không còn phá rừng làm nương rẫy mà tích cực tham gia giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. “Rừng không chỉ là tài sản mà còn là sinh kế của chúng tôi, bảo vệ rừng là bảo vệ chính tương lai của con cháu”, bà luôn tâm niệm.
Ngày 15.11 vừa qua tại Hà Nội, bà Hà Thị Tự được vinh danh tại chương trình giao lưu toàn quốc “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”. Đây là sự ghi nhận cho những cống hiến không mệt mỏi của bà trong suốt hơn 15 năm công tác cộng đồng.
Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao nhận xét: “Đồng chí Hà Thị Tự là tấm gương sáng về sự tận tụy và gương mẫu. Những việc làm của đồng chí đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo thôn bản, nâng cao đời sống người dân”.
Với bà Tự, thành quả lớn nhất không phải là bằng khen hay danh hiệu, mà là niềm tin yêu của bà con. “Trong mọi việc, cần phải đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên hết”, bà tâm sự.
Năm 2022, thôn Cao Hoong chính thức được đóng điện lưới quốc gia, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình đổi thay của bản làng. Dù giờ đây, những bộ đèn năng lượng mặt trời bà từng mang về không còn được sử dụng, nhưng với người dân Cao Hoong, chúng vẫn mãi là kỷ niệm đẹp. “Nhờ những chiếc đèn đó, chúng tôi đã vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất. Ánh sáng không chỉ xua tan bóng tối mà còn thắp lên hy vọng về tương lai”, ông Bùi Văn Hoan, một người dân trong bản chia sẻ.
Và ở nơi ấy, người phụ nữ Mường nhỏ bé nhưng kiên cường vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bản làng của mình.