Rộn ràng đón Tết Độc lập cùng đồng bào Mường ở Trà Giang
VHO - Những ngày này, đồng bào Mường ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam rộn ràng chuẩn bị ngày hội Tết Độc lập 2.9 truyền thống theo văn hóa của người Mường. Cái Tết Độc lập năm nay đặc biệt thêm phần rộn ràng, sôi động khi có sự kết nối, tham gia, trải nghiệm của du khách cùng đồng bào trong các hoạt động văn hóa- thể thao, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong cộng đồng.
Bà Võ Thị Thúy Hằng- Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND huyện về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng Mường, xã Trà Giang năm 2024, Phòng VH&TT huyện phối hợp cùng chính quyền xã Trà Giang, cộng đồng người Mường tại địa phương tổ chức “Ngày hội Tết Độc lập 2.9” của đồng bào Mường.
Ngày hội nhằm giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào người Mường tại xã Trà Giang; xây dựng và phát triển mối đoàn kết của cộng đồng người Mường, giữa người Mường và người Kinh, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách từ văn hóa đặc trưng bản địa, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại làng Mường.
Từ ngày 31.8 đến ngày 1.9, đồng bào ở làng cùng chung tay chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ ngày Tết độc lập của người Mường như mâm cúng lễ; vật dụng chuẩn bị cho trò chơi, không gian tổ chức trò chơi; vệ sinh, trang trí địa điểm tổ chức lễ; chuẩn bị nội dung ẩm thực.
Ngày 2.9, sẽ đón khách và tổ chức cúng ngày lễ Tết Độc lập theo văn hóa của người Mường như mâm cúng, dâng hương, báo công Bác Hồ…
Dịp này, UBND huyện Bắc Trà My, chính quyền địa phương sẽ cùng với Ban quản lý hoạy động du lịch tại làng Mường xã Trà Giang sẽ cùng với cộng đồng người Mường nơi tổ chức nhiều trò chơi dân gian dân tộc Mường, sinh hoạt văn hóa dân gian, thể dục-thể thao với sự tham gia của đồng bào và du khách.
Đặc biệt là các trò chơi dân gian dân tộc Mường như: kéo co, ném còn, múa sạp, chơi đánh mãng. Thưởng thức điệu múa trống chiêng, hát dân ca, đánh đàn, thổi sáo của người Mường.
Thi chế biến các món ăn đặc trưng của người Mường như: xôi hông ba màu, gà nấu măng mưng, thịt quấn lá bưởi, canh xương sắn, rau rừng luộc, ếch đá nướng, rượu cần…Giải thưởng các phần thi là các sản vật địa phương như rượu cần, vịt, gà, ếch đá, măng rừng, mía tím, rau rừng…
Làng Mường ở thôn 3, xã Trà Giang có khoảng 25 hộ, cùng từ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vào khai phá, lập nghiệp từ những năm 1985-1986. Hơn 30 năm định cư nơi đây, cùng hòa nhịp sống với đồng bào bản địa người Ca Dong, Cor,...ở Bắc Trà My, đồng bào vẫn luôn cố gắng bảo tồn, phát huy nếp sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào Mường vùng Hòa Bình nơi vùng đất mới, cùng tạo nên vẻ đẹp văn hóa đa sắc màu của làng du lịch cộng đồng Mường ở vùng núi Trà Giang.
“Từ ngày lập làng trên đất Quảng Nam đến nay, dù có thăng trầm, khó khăn thế nào, làng Mường này vẫn giữ tục một năm có hai cái Tết: ngày Tết Độc lập (còn gọi là Tết Bác Hồ) và ngày Tết Nguyên Đán”, ông Bùi Văn Thực-một người dân ở đây kể.
Cứ vào dịp Quốc khánh 2.9, người Mường ở Trà Giang lại tổ chức ăn mừng Tết Độc lập, nhà nào cũng trang hoàng, sửa sang bàn thờ Tổ Quốc, Bác Hồ, tổ tiên; sắm mâm cỗ, tổ chức tưởng niệm trang nghiêm.
Mâm cỗ cúng Tết Độc lập trong gia đình người Mường không thể thiếu các món truyền thống như: thịt lợn quay, xôi ngũ sắc, thịt cá nướng chấm muối hạt dỗi,, gà luộc, măng luộc, rau rừng, canh xương sắn, ếch đá nướng, rượu cần,…
Sau phần lễ là phần hội, cả làng mở tiệc ăn mừng, chiêu đãi khách; cùng mặc những bộ trang phục thổ cẩm thêu tay, biểu diễn nhạc cụ, múa chiêng, múa sạp, các trò chơi dân gian ném còn, chơi đánh mãng, chơi cù, giao lưu văn nghệ, thể thao… Đây cũng là dịp nhắc nhớ con cháu giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như tri ân công lao của bao thế hệ cho hòa bình hôm nay.
Làng du lịch cộng đồng Mường ở Trà Giang cũng được hỗ trợ thành lập, thu hút khách, được nhiều người biết đến chính là nhờ bản sắc độc đáo này. Tết Độc lập năm nay còn vui, rôm rả hơn nữa khi có sự hỗ trợ từ chính quyền, ngành văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến tham gia ngày hội.
Thời gian qua, huyện Bắc Trà My cũng tranh thủ nhiều nguồn để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại làng Mường. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa người Mường như khuyến khích bảo tồn những căn nhà sàn truyền thống; Xây dựng đề án bảo tồn làng Mường tại Trà Giang bằng cách làm du lịch cộng đồng tại làng, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn để thu hút du khách.
Đội cồng chiêng người Mường tại xã Trà Giang được thành lập với hàng chục thành viên nhiều thế hệ, hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, thường xuyên biểu diễn mỗi lễ hội của làng, giao lưu, thi đấu với với các đội cồng chiêng Ca Dong, Cor…, phục vụ du khách du lịch đến thăm làng.