Nữ Bí thư nhiệt huyết nơi biên viễn
VHO - Chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) lần đầu tiên bầu Bí thư là đảng viên nữ là điều chưa từng có tiền lệ, cũng là bước tiến bộ, thay đổi lớn nơi đây. Điều này cũng thể hiện sự đổi mới tư duy trong suy nghĩ, nhìn nhận của cấp ủy và đồng bào Mông nơi biên viễn…
Vừ Y Dở sinh ra và lớn lên ở xã Tà Cạ, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). “Bông hoa núi rừng” ở tuổi 18 đã yêu và lập gia đình với chàng trai bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Sau khi kết đôi, vợ chồng cô ở lại quê nhà lập nghiệp.
Với tính cách nhanh nhẹn, hòa đồng, Y Dở được gia đình chồng ủng hộ tham gia sinh hoạt trong Hội Phụ nữ bản. Nhận thấy cô gái trẻ nhiệt huyết, Bí thư Chi bộ bản Vừ Tống Mùa đã phát hiện, bồi dưỡng cô vào hàng ngũ của Đảng. Vừ Y Dở trở thành đảng viên nữ người Mông đầu tiên nơi đây. Năm 2005, Y Dở được Chi bộ giới thiệu làm Chi hội trưởng Phụ nữ để theo dõi, phát triển nguồn chi ủy kế cận; đến tháng 10.2021, Vừ Y Dở lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông.
Vừ Y Dở tâm sự: Mới đầu cũng ngại vì phụ nữ Mông xưa nay không được tham gia bàn chuyện trong gia đình, nói gì đến việc ra ngoài xã hội làm việc. Tiếp thu kiến thức xã hội, mình đã hiểu phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới, có thể đóng góp ý kiến xây dựng bản làng, nên đã mạnh dạn, tự tin hơn. Hỏi bí quyết để bà con “ưng cái bụng” và tin theo, Vừ Y Dở cười: “Cứ người thật, việc thật, hiệu quả thật thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu”.
Trở thành người định hướng, chỉ đạo xây dựng, phát triển bản làng, từ việc nhỏ đến việc lớn, nữ bí thư đều tham gia với suy nghĩ “cái gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm và phải làm để người Mông quê mình thấu hiểu điều đó”. Năm 2022, Y Dở cùng với trưởng bản và các trưởng họ cùng bàn bạc soạn thảo ra Hương ước bản Lưu Thông, trong đó có những điều khoản quan trọng về bảo vệ rừng, xây dựng vùng cao không ma túy và gìn giữ nét đẹp văn hóa người Mông.
Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, gia đình Vừ Y Dở còn là một trong những hộ làm kinh tế giỏi khi tiên phong nuôi dê với tổng đàn 12 con đầu tiên ở bản và nuôi bò nhốt để bà con làm theo. Đồng thời, gia đình cô cũng là tấm gương sáng về sự nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa điển hình” của xã Lưu Kiền và huyện Tương Dương. Ngoài ra, nữ Bí thư còn động viên chị em tăng gia sản xuất, mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tích cực tập luyện, sinh hoạt ở câu lạc bộ dân ca, dân vũ, bảo tồn trang phục, bản sắc văn hóa của dân tộc Mông…
Bản Lưu Thông có hơn 60 hộ với gần 290 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào Mông. Bản phân bổ tiếp giáp với các bản thuộc 2 xã Nậm Càn và Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn. Từ nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”: Không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, không có người thụ án tù và được chọn để xây dựng mô hình “Bản làng không có ma túy”, CLB “Bảo tồn và phát triển văn hoá bản Mông”…
Trưởng bản Thò Bá Chò từng nhiều năm liền đảm nhận chức Bí thư Chi bộ cho biết: Trong lịch sử của địa phương, từ trước đến nay công việc của bản làng đều do đàn ông đảm nhận, vì vậy, cô Vừ Y Dở được bà con tin tưởng bầu làm lãnh đạo là điều chưa có tiền lệ. Những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm, góp phần quan trọng tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Thành tích này có công lớn của Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở trong việc lãnh đạo, đề ra nghị quyết Chi bộ để đảng viên cũng như bà con thực hiện trên cơ sở Hương ước của bản từ nhiều năm qua. Lưu Thông đã được Công an tỉnh và UBND huyện Tương Dương chọn làm điểm mô hình “Bản làng không có ma túy”.
Bản Lưu Thông đã và đang từng ngày xây dựng diện mạo khởi sắc với những ngôi nhà kiên cố mang nét đặc trưng của dân tộc Mông, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa thoáng đãng, sạch sẽ… khắc họa nên nhịp sống bình yên nơi biên viễn. Ở đó có nữ Bí thư Chi bộ Vừ Y Dở đang ngày đêm cống hiến vì sự phát triển của bản làng và bà con người Mông. Y Dở chính là tấm gương sáng giúp lan tỏa mạnh mẽ vai trò người phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà” ở các bản làng vùng cao.