Ký ức không quên của nữ chiến sĩ được Bác Hồ sửa tên

NGỌC HÀ

VHO - Bà Trần Thị Bưởi (SN 1945, trú tại số 11 đường Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) không bao giờ quên giây phút vinh dự được Bác Hồ “sửa tên”, từ cái tên khai sinh Trần Thị Buổi, Bác Hồ đã sửa thành Trần Thị Bưởi - một loài hoa đồng quê giản dị trắng trong mà hương thơm tỏa ngát.

 Ký ức không quên của nữ chiến sĩ được Bác Hồ sửa tên - ảnh 1
Bác Hồ tặng hoa phong lan cho bà Trần Thị Bưởi và hai nữ chiến sĩ Ảnh: TƯ LIỆU

Bà Bưởi sinh ra tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), là nữ dân quân đặc biệt đã lập nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Cha mất sớm, mẹ là chiến sĩ chống Pháp, nên ngay từ nhỏ, cô bé Trần Thị Buổi đã trải qua những tháng ngày tránh đạn bom dưới hầm. Trong giây phút sinh tử, để con bớt nỗi sợ hãi, mẹ Buổi đã kể cho cô nghe những câu chuyện về Bác Hồ - vị lãnh tụ đang ngày đêm lo cho nước cho dân. Theo từng câu chuyện, suy nghĩ về Bác đã thấm sâu vào tâm trí cô bé, khiến Buổi mong ngóng đêm ngày được đi chiến đấu, để có cơ hội gặp “ông tiên” trong lòng mình. Do vậy mới 16 tuổi, cô đã xung phong vào đội du kích xã.

Một ngày giữa năm 1967, cô được giao nhiệm vụ đặc biệt cùng bộ đội chủ lực vượt sông Bến Hải đánh vào sào huyệt kẻ thù. Cả nước lúc đó đã biết đến cô gái Trần Thị Buổi ở Vĩnh Linh, với 23 viên đạn, trong 3 ngày đã tiêu diệt 19 tên địch và được tặng danh hiệu “Cô gái bắn tỉa”. Với thành tích xuất sắc, nữ chiến sĩ Trần Thị Buổi vinh dự được chọn đi dự Đại hội thi đua toàn quân khu, đại diện thanh niên miền Nam dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Bulgari.

Bà Bưởi nhớ lại: “Khi tham dự Đại hội, có khoảnh khắc tự hào rơi nước mắt mà chúng tôi không thể nào quên được, đó là đoàn Việt Nam đi đến đâu, nhân dân các nước vừa hô vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh”… vừa cầm khung ảnh Bác Hồ giơ lên trang trọng. Họ thể hiện tình cảm và sự kính trọng với Bác một cách nồng nhiệt, thành kính”.

Bà vẫn còn nhớ như in 4 lần được gặp Bác Hồ, được Bác chia bánh kẹo, xem văn nghệ và ăn cơm cùng Bác. “Lần đầu tiên gặp Bác Hồ, tôi rất hồi hộp và run, vì không biết Bác sẽ hỏi gì và mình có trả lời được không. Nhưng gặp rồi mới biết là Bác vô cùng hiền từ, nhân hậu, hơn cả những câu chuyện tôi được nghe mẹ kể hay đọc trên báo, nghe trên đài. Bác hỏi chúng tôi chuyện gia đình, công tác, và Bác khóc vì thương đồng bào vất vả, vừa sản xuất vừa lo đánh giặc”.

Lần thứ 2 gặp Bác, bà cùng hai nữ chiến sĩ là Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Xuân được xem văn công cùng Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Sau khi nghe một đồng chí giới thiệu tên tuổi, hoàn cảnh của ba nữ chiến sĩ, Bác Hồ từ tốn nói: “Các chú giới thiệu sai rồi, để Bác giới thiệu lại cho”. Rồi Bác chỉ từng người, nói rõ tên họ, quê quán và những chiến công nổi bật. Bác nhớ chi tiết hoàn cảnh của mỗi chị em, khiến tất cả không khỏi cảm động sững sờ. Giữa muôn vàn việc nước, Bác vẫn dành tình cảm chăm lo và để ý đến những điều tưởng như nhỏ nhặt.

Tuy nhiên, vinh dự lớn nhất trong những lần gặp Bác Hồ là bà Buổi được Bác sửa tên: “Bác hỏi tại sao tôi lại có tên là Buổi, rồi Bác nói sẽ sửa lại một chút, từ tên Buổi thành tên Bưởi, đây là cái tên nữ tính lại mang ý nghĩa của một loài hoa trắng trong, thơm ngát”. Bác nói: “Bác tặng cháu tên Bưởi, hoa bưởi trắng, đẹp, lại thơm”. Tôi run run hạnh phúc và đáp lời Bác: “Cháu xin cảm ơn Bác, cháu sẽ là hoa Bưởi của Bác”.

Cái tên Bác Hồ đặt cho đã đi theo bà Trần Thị Bưởi suốt cả cuộc đời. Trở thành niềm vinh dự, tự hào của bản thân bà cũng như gia đình, làng xóm mỗi khi nhắc tới. Cái tên cũng là sự nhắc nhở bà phải sống và chiến đấu sao cho xứng đáng với ý nghĩa cao đẹp của loài hoa giản dị, trắng trong, thơm ngát ấy. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc