Hồi ức vô giá của nữ biệt động 8 lần được gặp Bác Hồ

MINH CHÂU

VHO - Được gặp Bác Hồ một lần đã là niềm hạnh phúc và vinh dự khôn kể cho bất cứ ai, nhưng cô Trần Thị Kim Cúc (SN 1936, P. Thanh Bình, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã 8 lần được gặp Bác, đó là những “giấc mơ có thật” quý giá mà cô mang theo suốt cả cuộc đời.

Dù đã gần 90 tuổi, nhưng nữ biệt động Đà Nẵng ngày nào vẫn còn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Lần giở từng bức ảnh có Bác Hồ, cô kể cho chúng tôi nghe chi tiết từng kỷ niệm những lần gặp gỡ với Bác Hồ kính yêu.

Đặc biệt là lần đầu tiên gặp Bác Hồ, cô Trần Thị Kim Cúc nhớ ngay đến hình ảnh vị lãnh tụ có phong thái ngời sáng nét hiền từ, ung dung và gần gũi.

Năm 1966, nữ đội trưởng gan dạ Trần Thị Kim Cúc bị địch bắt và tra tấn tàn bạo được bí mật chuyển vào Bệnh viện Việt - Xô điều trị (trong quá trình tra tấn, địch đã ghim chiếc đinh dài sắc lạnh vào đầu cô - di chứng là cô Cúc vẫn gặp những cơn động kinh kéo dài, ngoài ra còn rất nhiều vết thương nghiêm trọng trên cơ thể).

Hồi ức vô giá của nữ biệt động 8 lần được gặp Bác Hồ - ảnh 1
Cô Trần Thị Kim Cúc trong một lần ra thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác Hồ

Nghe tin tức về nữ biệt động trẻ tuổi, kiên trung, Bác Hồ đã đến tận nơi để hỏi thăm sức khỏe cô. “Dù đã được nghe thông báo Bác Hồ sẽ tới thăm, nhưng khi Bác xuất hiện trước mặt tôi, tôi vẫn thấy niềm vinh dự này như một giấc mơ.

Trước đây tôi chỉ tưởng tượng hình ảnh Bác trong đầu, giờ tận mắt nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, tôi cứ tự hỏi: Bác là thật hay là chiêm bao? Tôi trân trân nhìn Bác mà không nói nên lời.

Sau vài giây định thần, tôi òa lên khóc, định nhào ra đón Bác, nhưng Bác xua tay nói, đừng chạy kẻo té, và nhanh nhẹn tiến lại gần giường bệnh. Bác rờ tay lên vết thương sau đầu tôi, và Bác khóc”, cô Cúc nhớ lại.

Bác động viên cô: “Cháu phải cố gắng ăn nhiều hơn, phải coi uống thuốc, ăn cơm như nhiệm vụ đánh Mỹ của các cháu ở miền Nam trước đây mới được!”.

Bác ở lại bệnh viện rất lâu, hỏi thăm sức khỏe của cô Cúc, căn dặn cô giữ gìn sức khỏe, yên tâm dưỡng bệnh, và dặn Viện trưởng viện Việt - Xô lúc bấy giờ là ông Trần Kim Ảnh, phải quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân:

 “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải thường xuyên đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị. Ở miền trong thường thích món cá nấu chua nên phải cố cho các cháu ăn dù chỉ một tý nước canh, một tý cháo cũng được”.

Cô Cúc rưng rưng hồi tưởng: “Sau khi Bác về, cả đêm đó dù đã uống thuốc an thần nhưng tôi không thể nào ngủ được. Trong đầu tôi như một cuốn phim tua đi tua lại hình ảnh Bác từ lúc bước xuống xe, ân cần hỏi thăm tôi, cho đến lúc Bác ra về”.

Sau đó 1 tháng, Bác cho xe đón cô Cúc vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác. Tại đây, cô đã kể cho Bác nghe những câu chuyện ở chiến trường miền Nam đánh Mỹ và quá trình tham gia cách mạng của bản thân, đồng đội, Bác nghe cô kể mà rơi nước mắt vì thương bộ đội, chiến sĩ, đồng bào đang chịu bao khổ cực chống Mỹ.

Bác bảo sẽ cô đi chữa bệnh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với lời căn dặn: Phải vừa chữa bệnh vừa tranh thủ nghe người nước ngoài họ giao tiếp, để còn biết tiếng của họ, để viết họ nói gì về nước Việt Nam mình, để mình còn đối đáp được với họ.

Bác còn dặn sang bên đó, phải tiếp xúc nhiều với báo chí, cho họ xem những vết thương của cô do địch gây ra để tố cáo tội ác của Mỹ ngụy và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Sau hơn 18 tháng vừa chữa bệnh vừa làm công tác tuyên truyền trên đất nước bạn, cô Trần Thị Kim Cúc về nước và lại được vào thăm Bác. “Bác không quên nhiệm vụ đã giao cho tôi, Bác kiểm tra tôi một câu nói, một câu hát bằng tiếng Trung, và bắt tôi phải trả lời bằng tiếng Trung:

Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/đào núi và lấp biển/quyết chí phải thành công... Bác truyền ý chí chiến đấu và sự học hỏi nỗ lực cho tôi qua nội dung câu hát, miễn có ý chí là làm việc gì cũng được”.

Đó cũng chính là động lực để cô quyết tâm đi học bổ túc văn hóa ở Trường Phổ thông lao động Trung ương (tỉnh Hưng Yên). Càng nghĩ về Bác, cô càng phấn đấu học giỏi. Tại đây, cô học vượt chương trình 1 năm 3 lớp, đứng xuất sắc.

Đầu năm 1969, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin biểu dương thành tích học tập của học sinh trong trường, trong đó có cô. Nghe tin, Bác bảo chú Vũ Kỳ, Thư ký của Bác, đến trường đón cô vào gặp Bác, Bác khen cô học giỏi và dặn cô, ở đâu cũng phải làm công tác dân vận tốt để dân thương, dân nhớ.

Cô Cúc nhớ lại, lúc này, sức khỏe Bác đã yếu, da dẻ có đồi mồi, không còn hồng hào như trước, đi đã phải chống gậy. Đây cũng là lần cuối cùng cô Cúc được gặp Bác trước khi Bác mất.

Ôm tấm ảnh bác Hồ được đóng khung trên tay, cô Trần Thị Kim Cúc trải lòng rằng: “Đến bây giờ, gặp ai tôi cũng nói chuyện về Bác Hồ, với mong muốn truyền tình nhân ái, yêu thương vô bờ bến của Bác để tất cả mọi người biết đến”.