“Giữ hồn” nhà sàn của người Mường

NGUYỄN LINH - LƯƠNG DIỄN

VHO - Công tác bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường được chính quyền huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) quan tâm với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm phát huy các giá trị di sản của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

 “Giữ hồn” nhà sàn của người Mường - ảnh 1
Giữ hồn nhà sàn của người Mường - mở lối phát triển cho du lịch cộng đồng

 Nhờ đó góp phần triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

 Di sản là động lực phát triển du lịch

Trên con đường uốn lượn như dải lụa mềm dẫn vào xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, những ngôi nhà sàn xinh xắn của đồng bào Mường nằm ẩn hiện giữa khung cảnh xanh mát, nên thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Vùng đất này không chỉ lưu giữ nét văn hóa độc đáo mà còn ẩn chứa tiềm năng lớn cho phát triển du lịch cộng đồng. Trước nguy cơ mai một của các giá trị truyền thống, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa nhà sàn, đồng thời khai thác tiềm năng này để phát triển du lịch, mang lại sinh kế bền vững cho người dân.

Vào năm 2020, huyện Ngọc Lặc đã thực hiện khảo sát và xác định trên địa bàn còn 1.465 ngôi nhà sàn, trong đó xã Thạch Lập sở hữu hơn 700 ngôi. Đây được xem là kho báu văn hóa khổng lồ, rất cần được bảo vệ và phát huy. Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025”. Trong khuôn khổ Đề án, từ năm 2021-2025, huyện Ngọc Lặc đã hỗ trợ cải tạo và phát triển thêm 400 ngôi nhà sàn truyền thống.

Xã Thạch Lập không chỉ giàu có về văn hóa nhà sàn mà còn sở hữu tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú với những thắng cảnh nổi bật như Hang Gió, Đồi Hích, Thác Cha và các thửa ruộng bậc thang trải dài đẹp như những bức tranh rực rỡ sắc màu. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng Lập Thắng thuộc xã Thạch Lập tiên phong trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống. Đã có 20 hộ dân đăng ký tham gia và nhận được kinh phí hỗ trợ chỉnh trang, trùng tu nhà sàn; được hướng dẫn cách duy trì các nét đẹp trong kiến trúc và không gian văn hóa nhà sàn.

Gia đình bà Phạm Thị Sáu sở hữu ngôi nhà sàn cổ gần 100 năm tuổi tại thôn Lập Thắng là một trong những hộ dân tham gia mô hình thí điểm này. Ngôi nhà ba gian hai chái được xây dựng từ gỗ với lối kiến trúc đặc trưng: Cầu thang lên xuống hai bên, giữa nhà là bàn thờ tổ tiên, bên trong là bếp và không gian sinh hoạt của gia đình. Bà Sáu chia sẻ: “Nhờ phát triển du lịch, chúng tôi có cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa Mường trong chính ngôi nhà của mình. Du khách đến đây rất thích không gian sinh hoạt truyền thống, họ muốn trải nghiệm cuộc sống của người Mường từ cách sinh hoạt đến ẩm thực, nhờ đó mở ra hướng để chúng tôi có thêm thu nhập”.

Không chỉ gia đình bà Sáu mà 9 hộ dân khác trong làng cũng được hỗ trợ vốn từ chính quyền. Họ đã tiến hành sửa chữa các cấu trúc hư hỏng, cải tạo môi trường, cảnh quan, nâng cấp công trình phụ để đáp ứng tiêu chuẩn lưu trú phục vụ du khách. Điều này không chỉ giúp bảo tồn kiến trúc truyền thống, mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Phạm Văn Phẩm, thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập chia sẻ: “Trong tâm thức của người Mường, nhà sàn không chỉ là nơi sinh sống mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng. Nhà sàn tuy giản dị, nhưng chứa đựng trong đó cả một kho tàng văn hóa đặc sắc, từ những câu chuyện sử thi như Đẻ đất, đẻ nước cho đến nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, khi chính quyền địa phương chọn nhà sàn của gia đình tôi để phát triển du lịch, chúng tôi rất phấn khởi và dự định sẽ tu sửa nhà, vừa bảo tồn giá trị truyền thống của kiến trúc nhà sàn Mường, vừa đảm bảo phục vụ khách du lịch tốt hơn”.

Bệ đỡ từ chính sách

Nhằm tạo thêm sức hấp dẫn, huyện Ngọc Lặc đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng vào việc xây dựng Nhà sàn văn hóa làng Thạch Lập, khôi phục Lễ hội Mường Lập và thành lập các CLB văn nghệ truyền thống cùng tham gia biểu diễn với du khách, mang lại những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, huyện cũng kết nối làng Lập Thắng với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử khác như Khu di tích Lam Kinh, đền Trung Túc Vương Lê Lai… nhằm tạo thành chuỗi du lịch liên kết vùng miền.

Ngoài việc phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch, huyện Ngọc Lặc còn đẩy mạnh việc truyền dạy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… để người dân vừa bảo tồn được văn hóa, vừa tăng thêm thu nhập. Đây chính là sự kết hợp hiệu quả giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế một cách bền vững.

Có thể nói, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lập không chỉ mở ra cơ hội mới cho người dân mà còn đóng góp lớn vào công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Từ mô hình thí điểm tại Lập Thắng, huyện Ngọc Lặc dự kiến sẽ nhân rộng hoạt động bảo tồn nhà sàn truyền thống ra các xã, thị trấn trong huyện, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 1.800 ngôi nhà sàn được bảo tồn và phát triển. Chính quyền cũng tích cực hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Những ngôi nhà sàn được nâng cấp, các tuyến đường giao thông đến làng bản được cải thiện, giúp du khách dễ dàng tiếp cận…

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lập đã đi vào hoạt động từ năm 2022, vẫn còn mới mẻ và chưa được quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, bước đầu đã có nhiều đoàn khách tìm đến trải nghiệm không gian văn hóa, tham gia các tour du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên, người dân nơi đây đã có thêm nguồn thu nhập, tạo động lực để họ duy trì và phát triển mô hình trong tương lai.

Ông Phạm Đình Cường, Trưởng phòng VHTT huyện Ngọc Lặc khẳng định: “Việc xây dựng khu du lịch cộng đồng tại làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương. Từ đó tạo thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện”.