Kho Mường thoát nghèo nhờ làm du lịch

LƯƠNG DIỄN - NGUYỄN LINH

VHO - Với thế mạnh sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) xác định, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là nhiệm vụ trọng tâm. Bản Kho Mường, xã Thành Sơn là một trong những khu du lịch trọng điểm của Bá Thước, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con dân tộc thiểu số.

 Kho Mường thoát nghèo nhờ làm du lịch - ảnh 1
Vẻ đẹp “tiên cảnh” ở Kho Mường buổi bình minh

 Đánh thức tiềm năng gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa

Chúng tôi bắt đầu hành trình vào một ngày hè nắng gắt từ trung tâm TP Thanh Hóa, đi về hướng Tây Bắc để đến với Kho Mường. Qua những con đường quanh co như dải lụa mềm vắt ngang sườn núi, bản làng thanh bình hiện ra trước mắt với những ngôi nhà sàn đơn sơ, xinh xắn ẩn hiện dưới lòng thung lũng xanh rì, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp…

Người dân đón khách bằng nụ cười hiền hậu và lời chào thân thiện bằng tiếng Thái. Sự nồng ấm và chân thành của họ khiến chúng tôi cảm thấy như được về nhà. Nghỉ chân bên ấm trà trong ngôi nhà sàn của chị Bùi Thị Dung, một trong những người tiên phong phát triển mô hình homestay ở Kho Mường, những câu chuyện về bản, về làng được mở ra.

Chị Dung kể, trước kia gia đình chị cũng như bà con nơi đây đều chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống quanh năm khốn khó, thiếu trước hụt sau. Từ 2020, thấy khách du lịch bắt đầu quan tâm đến văn hóa và cuộc sống của người Thái, được sự hướng dẫn từ chính quyền địa phương, gia đình chị đã chuyển sang làm dịch vụ homestay, đón khách đến tham quan và lưu trú tại nhà sàn của mình.

Theo chị Dung đi tham quan ngôi nhà, tôi cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị trong lối thiết kế nhưng không kém phần ấm cúng và gần gũi. Các phòng ngủ được trang trí bằng những tấm thổ cẩm truyền thống và rất sạch sẽ, thoáng mát.

Bữa tối, chúng tôi được thưởng thức các món ăn của đồng bào Thái như cá nướng, cơm lam, thịt trâu gác bếp, xôi tím... do chính bà con tự tay trồng trọt và chăn nuôi. Sau bữa ăn, chúng tôi tham gia cùng dân bản đánh cồng chiêng, nghe khặp Thái. Tiếng hát véo von của những chàng trai, cô gái hòa cùng tiếng chiêng ngân vang cả núi rừng.

Vẻ đẹp bản sắc văn hóa vẫn được giữ gìn qua từng thế hệ, nay càng được phát huy khi Kho Mường làm du lịch. Theo chị Dung, trung bình mỗi năm có khoảng 4-5 đoàn khách đến bản, trừ tất cả chi phí, gia đình chị lãi từ 5-6 triệu đồng/ đoàn. So với làm nông nghiệp, du lịch cộng đồng cho hiệu quả kinh tế khả quan hơn, góp phần đẩy lùi nghèo đói hiệu quả.

Kho Mường không chỉ cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn bởi những trải nghiệm độc đáo mà du khách có thể tận hưởng tại đây. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được tham gia vào các hoạt động thường ngày của đồng bào như cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang, bắt cá dưới suối, hái rau trong vườn...

Mặt trời dần lên cao, mọi người cùng nhau đi khám phá hang động Kho Mường, một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ nằm ngay trong lòng bản, không chỉ đẹp bởi những nhũ đá độc đáo, mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện truyền thuyết về quá trình hình thành bản làng, gắn liền với văn hóa tín ngưỡng và cách mà dân bản đã đấu tranh để tồn tại qua những thời kỳ khó khăn…

 Kho Mường thoát nghèo nhờ làm du lịch - ảnh 2
Lúa chín vàng trên những cánh đồng Kho Mường trải dài tít tắp

Mở ra hướng thoát nghèo, tăng thu nhập cho dân bản

Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn thực sự tạo ra thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân Kho Mường.

Như lời kể của ông Hà Đình Nếch, người tham gia làm du lịch cộng đồng từ những ngày đầu tiên, mỗi năm gia đình ông đón hơn 200 lượt khách trong và nước ngoài đến tham quan, lưu trú, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng.

“Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống bằng trồng lúa, nuôi gà, nhưng thu nhập không đáng là bao. Năm 2004, được chính quyền xã tuyên truyền, động viên làm du lịch, tôi đã đăng ký thí điểm, đồng thời khuyến khích con cháu tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ nấu ăn, tiếng Anh giao tiếp, khả năng ứng xử, cải tạo, mở rộng diện tích nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường... Với mô hình này, cuộc sống đã thay đổi rõ rệt, giờ đây chúng tôi không còn lo lắng về cái ăn cái mặc như trước nữa”, ông Nếch chia sẻ.

Không riêng gia đình chị Dung, ông Nếch, việc mở cửa đón khách đã giúp cải thiện thu nhập của nhiều hộ trong bản. Từ chỗ chỉ có 3 hộ làm du lịch sinh thái những ngày đầu tiên, đến nay bản Kho Mường đã có 15 hộ tham gia.

Điều này không chỉ giúp nâng cao đời sống kinh tế của bà con mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của người Thái. Các hoạt động truyền thống như dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tổ chức các lễ hội văn hóa, diễn xướng dân gian đã được khôi phục và phát triển. Nhờ vậy, thế hệ trẻ trong bản cũng dần nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và lan tỏa nét đẹp truyền thống mà ông cha để lại.

Có thể nói, mô hình dịch vụ homestay ở bản Kho Mường đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã đạt 27,5 triệu đồng/năm, một con số biết nói thật ấn tượng.

Nhận định Kho Mường có tiềm năng lớn về du lịch, chính quyền địa phương đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, dự án “Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường” đã được phê duyệt với mục tiêu phát triển bản làng thành một sản phẩm OCOP của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 7.300 lượt khách và năm 2030 là 9.300 lượt.

Cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao cảnh quan và khuyến khích người dân tham gia, bản Kho Mường đang dần dần trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút những “tín đồ ưa dịch chuyển” tới khám phá và trải nghiệm.