Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 2: Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang phối hợp Sở Du lịch Khánh Hòa xây dựng Chương trình phục vụ phát triển du lịch và chọn một số sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương, trong đó ưu tiên tập trung phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 2: Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Tái hiện Lễ hội mừng lúa mới của người Raglai ở Khánh Vĩnh

Trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc trưng

Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Khánh Vĩnh cho biết: Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh đang phối hợp với với Sở Du lịch, các đơn vị lữ hành xây dựng lộ trình và các điểm ghé thăm đặc trưng trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Theo lộ trình này, các đơn vị lữ hành sẽ đón khách từ TP Nha Trang - Khu du lịch sinh thái Tiên Long Farm (xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh) - Khu du lịch Yang Bay - Khu du lịch nông nghiệp Hoa quả Sơn (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh)- Suối khoáng nóng thiên nhiên Nhân Tâm 2  (xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh)...

Trên lộ trình này du khách tham quan tìm hiểu động vật, ăn uống, chụp ảnh, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, cắm trại; trải nghiệm các hoạt động vui chơi như trồng rau, hái rau, cho cá ăn và các trò chơi ngoài trời như: thang dây, xích đu, tắm hồ,…

Du khách cũng có thể mua sắm, trưng bày sản phẩm lưu niệm, trang sức, vật dụng… thử nghiệm các trò chơi: đua heo, bắn nỏ, ném lao, câu cá sấu; tham quan vườn lan, thăm khu nuôi gấu hoang dã và khu nuôi cá sấu nước ngọt công nghệ mới… thưởng thức những bản nhạc rất đặc biệt phát ra từ đàn đá hoặc đến tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc truyền thống tại khu trưng bày nhạc cụ dân tộc với hàng trăm nhạc cụ truyền thống như đàn T'rưng, đàn đá, cồng, chiêng, tù…Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực rừng phong phú, với các món ăn đặc trưng và hấp dẫn của đồng bào Raglai: Cơm lam, gà nướng, cá suối, rau rừng...

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 2: Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 2

Nhảy sạp của đồng bào Raglai

Cũng trên lộ trình này, du khách được tham quan nhà vườn với hơn 40 loại cây ăn quả như: Chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, dừa xiêm, bưởi, mít, ổi, mận, nhãn, hồng xiêm, măng cụt, thanh long, cam, cherry, lựu; ngắm hàng trăm các cây mai cảnh, hoa hồng, hoa sứ, phong lan, cây muồng hoa đào,... Đặc biệt, trong khuôn viên nông trại còn có một cây Kơ Nia được xác định khoảng 350 tuổi. Du khách được thư giãn và tắm nước khoáng nóng - có thể chữa được các bệnh đau khớp, da liễu, thần kinh tọa, đau gân cơ, căng thẳng thần kinh.

Theo ông Lê Văn Cường, cùng với lộ trình du lịch đặc biết trên, UBND huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị lữ hành xây dựng các tour Khánh Vĩnh- Đà Lạt; Khánh Vĩnh – Nha Trang... Qua đó, du khách không chỉ được khám phá vùng đất Khánh Vĩnh thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng mà còn được khám phá nhiều vùng đất du lịch tươi đẹp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Cùng với phát triển du lịch kết hợp các mô hình kinh tế trang trại nên huyện Khánh Vĩnh đã khai thác và phát huy thế mạnh đất đai, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn; từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sản xuất thâm canh hàng hóa từ nhỏ sang quy mô lớn; giảm thiểu tác động sinh thái môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân hướng đến nông thôn mới.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 2: Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 3

Trò chơi kéo co của đồng bào Raglai

Phát triển du lịch kết hợp các mô hình kinh tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế qua các dịch vụ.

Trong thời gian tới, đồng thời với việc phát triển mô hình kinh tế chủ lực theo Nghị quyết 09/BCT là xây dựng tiểu đô thị sinh thái núi rừng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc… huyện Khánh Vĩnh chú trọng triển khai các biện pháp phát triển kinh tế trang trại nhằm phát huy mô hình kinh tế nông–lâm trên địa bàn.

Bên cạnh những bước tiến trong phát triển kinh tế, du lịch huyện Khánh Vĩnh cũng rất chú trọng nâng cao hiệu suất trong công tác phát triển văn hóa-xã hội. Trong năm 2023, đơn vị phấn đấu mức giảm tỉ lệ nghèo đa chiều 8,06% tương đương với giảm 867 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo đầu năm 2023 là 4.211 hộ xuống còn 3.344 hộ vào cuối năm 2023...

Ngoài ra, đơn vị đã triển khai thực hiện Dự án 8 nhằm Nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022–2025.

Phát triển du lịch Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) - Bài 2: Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 4

Nghi thức trong Lễ hội mừng lúa mới

Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân và đồng bào các dân tộc  trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều sự khởi sắc. Các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Phong trào văn nghệ quần chúng được khuyến khích phát triển, chú trọng khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Raglai, Ê đê, Tày, Nùng… Nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc như đàn đá, cồng, chiêng, đàn chapi… được gìn giữ và bảo lưu.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc