Xây dựng nhân cách, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ gia đình
VHO - Không phải là người gốc Hà Nội lâu đời nhưng nét văn hóa, thanh lịch Tràng An đã ăn sâu vào nếp sống gia đình cụ Nông Quang Lộc (dân tộc Tày, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ bao lâu nay. Nhiều năm qua, gia đình cụ gồm 4 thế hệ (7 người) vẫn chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, năm nào cũng được nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
Gia đình “tứ đại đồng đường” mẫu mực
Chia sẻ về truyền thống gia đình, bà Nông Thị Thu Thủy (sinh năm 1963, con gái cụ Lộc) cho biết: “Trước hết là những công dân của thành phố, mọi thành viên trong gia đình tôi luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động do phường và quận phát động”.
Bà Thủy kể, cụ Nông Quang Lộc nguyên là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan công binh, sau khi nghỉ hưu, cụ tích cực tham gia công tác xã hội với các cương vị: Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hàng Mã, Bí thư Chi bộ tổ dân phố… Đến nay, do tuổi cao cụ đã nghỉ công tác để bảo đảm sức khỏe, nhưng mọi lời ăn tiếng nói, hành động, việc làm của ông đều được con cháu kính trọng, nể phục và học theo.
Hiện cụ Lộc sống cùng vợ chồng bà Thủy và các cháu, chắt. Chia sẻ về cuộc sống gia đình “tứ đại đồng đường”, bà Thủy cho biết: “Mọi thành viên luôn chung sống hòa thuận, kính trên, nhường dưới, đoàn kết, sẻ chia với nhau, thường xuyên giúp đỡ, tương trợ láng giềng và được mọi người yêu mến, tôn trọng.
Con cháu thực hiện lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, xây dựng phẩm chất cao đẹp và nhân cách đạo đức chuẩn mực của con người nói chung và người Hà Nội văn minh, thanh lịch nói riêng. Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, nên các cháu tuy còn trẻ nhưng luôn có tinh thần tận trung, tận hiếu với Tổ quốc. Gia đình tôi đã lưu truyền câu đối từ năm 1924 đến nay và lấy đó làm “kim chỉ nam” cho các thế hệ con cháu mai sau, đó là: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín và Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh”.
Cùng với đó, gia đình cụ Lộc luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mừng thọ, lễ hội; tích cực tham gia đóng góp xây dựng quy chế, quy ước văn hóa; giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp ở địa phương. Đồng thời, gia đình cụ cũng tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tuyên truyền để bà con xung quanh nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng do thành phố Hà Nội ban hành.
Gia đình cụ Nông Quang Lộc cùng với 86 gia đình khác đã được thành phố Hà Nội vinh danh tại lễ Tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu. Đây đều là những hạt nhân nòng cốt, lan tỏa và phát huy những giá trị gia đình, đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Mỗi gia đình Thủ đô là một tế bào của TP Hà Nội
Tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu là hoạt động thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19.2.2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.
Tại Chỉ thị này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24.11.2021): Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Theo kế hoạch 221/KH-UBND ngày 22.7.2024 của UBND TP Hà Nội, mục đích của chương trình Tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; huy động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và từng cá nhân tham gia vào công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người; xây dựng gia đình học tập; thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình... Đồng thời, tạo cơ hội cho các thành viên được giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần xây dựng cộng đồng ổn định, dân chủ, đoàn kết, đẩy lùi tệ nạn xã hội…
Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình Thủ đô là một tế bào của TP Hà Nội. Vì vậy, đây chính là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp, từ đó xây dựng nhân cách, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, việc tuyên truyền, lan tỏa những kinh nghiệm ứng xử hay trong gia đình là trách nhiệm chung của mỗi người, mỗi cấp, ngành. Từ nhiều năm nay, Sở VHTT Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.