Vai trò của Công đoàn trong bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, trẻ em và xây dựng gia đình hạnh phúc
VHO - Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam XIII, ngày 30.11 Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng công tác nữ công: Bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc” tại Tổng Công ty May 10 – Tập đoàn Dệt may (Gia Lâm, Hà Nội).
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: lao động, việc làm, BHXH, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động…
Trưởng Ban Nữ công - Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Hồng Vân phát biểu tại Diễn đàn
Các cấp Công đoàn đã thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động; tham gia thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể để có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ so với các quy định của pháp luật. Đặc biệt là quan tâm đến các chính sách thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người lao động chăm sóc, nuôi dạy con cái. Triển khai có hiệu quả các mô hình “ Sức khỏe của bạn”, “ Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “ Lễ cưới tập thể”, “ Trại hè cho con CNLĐ”…
Đối với công tác xây dựng gia đình, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, các Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là vào các dịp ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3), Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng đơn vị, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia, góp phần không nhỏ lan tỏa những nét đẹp của gia đình Việt, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình nói chung, gia đình công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Tại Diễn đàn, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng và những vấn đề đặt ra đối với công tác nữ công tình hình mới; giải pháp nâng cao vai trò của Ban Nữ công trong đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ; Kinh nghiệm trong đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hỗ trợ nữ đoàn viên, NLĐ về tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy mô hình “sức khỏe của bạn”… Trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ của CNVCLĐ, các đại biểu cũng làm rõ vai trò của Ban Nữ công trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; những hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo cho con CNLĐ, tạo sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở.
Toạ đàm nâng cao vai trò của Công đoàn trong bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, trẻ em
Chia sẻ về những đổi mới trong tổ chức các phong trào thi đua dành cho nữ, gia đình và trẻ em, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đơn vị đã ứng dụng công nghệ và mạng xã hội để xây dựng nội dung, hình thức hấp dẫn, gần gũi và linh hoạt hơn. Chẳng hạn là cuộc thi trên mạng Tiktok như “Bếp nhà Dệt May” được NLĐ yêu thích vì hợp xu hướng, dễ chơi, dễ tương tác. Trong 1 tháng diễn ra, các bài dự thi đạt gần 1 triệu lượt xem, 108.000 lượt tương tác. Cuộc thi “Lời ru bên cánh võng” giàu cảm xúc, giúp NLĐ hiểu biết thêm về thể loại âm nhạc ý nghĩa, giúp nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, sự yêu thương của cha mẹ đối với con cái. 5 năm qua, CĐDMVN đã trích 2,7 tỉ đồng khen thưởng cho trên 4.800 học sinh giỏi cấp ngành và trao học bổng “Đồng hành cùng em đến trường” động viên con NLĐ vượt khó. Ngoài ra cũng tổ chức xét thưởng danh hiệu Gia đình tiêu biểu cấp ngành hằng năm cho 144 gia đình.
Là một địa phương còn nhiều khó khăn, tuy nhiên LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, Ban nữ công công đoàn các cấp đã nỗ lực tổ chức các hoạt động chăm lo cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều mô hình đã được triển khai như “Quỹ tiết kiệm quay vòng”, “Nuôi heo đất – Trao yêu thương”, chương trình “Áo dài yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu – Chắp cánh yêu thương”; xây dựng mới và sửa chữa nhà “Mái ấm Công đoàn”; thăm hỏi tặng quà nữ công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, khen thưởng, động viên kịp thời con công nhân viên chức lao động vượt khó, học giỏi.... Qua đó đã trao tặng hàng ngàn suất quà trị giá hàng tỷ đồng cho nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, con nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng an toàn, vệ sinh lao động, Tết Nguyên đán, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình nữ công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ các nguồn quỹ nữ công, vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi để hoạt động nữ công công đoàn có những bước phát triển phù hợp với tình hình trong nhiệm kỳ mới, giúp cho lao động nữ ngày càng ổn định đời sống, việc làm, có thời gian chăm lo cho gia đình, con cái, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển của địa phương, ngành cũng như của quốc gia.
QUỲNH HOA